Chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân do Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang thực hiện bước đầu đã phát huy hiệu quả. Người dân được tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, giảm gánh nặng vật tư để tập trung sản xuất.
Giảm nỗi lo chi phí
Từ vụ đông xuân năm 2015-2016, thực hiện chỉ đạo của T.Ư HND Việt Nam, HND tỉnh trực tiếp ký kết với Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) cung ứng phân bón cho nông dân theo hình thức trả chậm. HND xã là đơn vị đứng ra tín chấp, ký hợp đồng trách nhiệm với Công ty, tiếp nhận phân bón và cung ứng cho hội viên, nông dân đã đăng ký. Cuối vụ thu hoạch, HND xã thu tiền và thanh toán với doanh nghiệp (DN) như cam kết. Nhờ vậy thời gian qua nhiều hộ dân bớt nỗi lo về chi phí phân bón, yên tâm sản xuất.
Ruộng cà chua của gia đình bà Nguyễn Thị Lan, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) sử dụng phân bón Tiến Nông cho năng suất cao.
Chuẩn bị cho vụ xuân năm nay, HND xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) đã đăng ký mua 80 tấn phân bón theo hình thức trả chậm. Bà con rất phấn khởi khi được sử dụng phân bón chưa phải trả tiền ngay. Đầu vụ, từng chuyến xe tải chở phân bón đến tận thôn cho người dân. “Nhiều hộ không phải đi vay lãi để mua phân bón như nhiều năm trước nữa. Phân bón được đưa về kịp thời, từ 6 đến 8 tháng sau mới thanh toán cho Công ty nên mọi người rất phấn khởi. Vụ xuân vừa qua, thôn Cẩm Xuyên đã mua gần 37 tấn phân bón, dự kiến vụ sau sẽ tăng lên khoảng 50 tấn” – đồng chí Ngô Duy Hoàn, Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm cho biết.
Hiện nay, phân bón được cung ứng cho nông dân gồm: N.P.K.Si Vì nông dân Việt chuyên lót và N.P.K.Si Vì nông dân Việt chuyên thúc. Đây là hai sản phẩm đã được T.Ư HND Việt Nam thẩm định về chất lượng và cho in lô gô của T.Ư HND Việt Nam trên bao bì sản phẩm để nông dân dễ nhận biết. |
Bước vào mùa vụ, do chi phí đầu tư cho vật tư nông nghiệp cao, nhiều hộ dân gặp khó khăn về vốn nên khó khăn cho sản xuất. Ở từng giai đoạn cây trồng có những yêu cầu về dinh dưỡng khác nhau, bón phân không kịp thời sẽ làm cây trồng kém phát triển tạo điều kiện cho sâu bệnh hại lây lan nhanh, làm giảm năng suất. Mua phân bón ở các cửa hàng bán lẻ, một số người không tránh khỏi tình trạng cân thiếu, tính lãi suất cao khi mua trả chậm và giá thay đổi theo biến động thị trường. Vào thời điểm giữa vụ khi nhu cầu lớn, giá phân bón thường bị các đại lý, cửa hàng bán lẻ đẩy lên cao, người mua chịu thiệt.
Trong chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm mới này của HND, DN cung ứng cam kết tạo điều kiện cho nông dân trả chậm tùy điều kiện của từng hộ; giá phân bón ổn định và thấp hơn so với đại lý bán cho nông dân. Nhờ vậy, người dân tránh được rủi ro, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Yên tâm sản xuất
Những năm trước, HND tỉnh giao chỉ tiêu cho HND huyện hoặc xã trực tiếp phối hợp với các DN như: Công ty cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển… cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân. Quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn như: Nội dung tuyên truyền không đồng nhất giữa các cấp hội nên người dân chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, phát sinh nhiều ý kiến chưa đồng thuận; thói quen sử dụng phân bón không đúng cách của nhiều người khó thay đổi; thị trường phân bón đa dạng và cạnh tranh khốc liệt.
Vì vậy, các cấp hội không kiểm soát được chất lượng của từng loại phân bón do các công ty cung ứng, phát sinh tâm lý không yên tâm khi sử dụng. Trước thực trạng đó, từ năm 2015, HND tỉnh trực tiếp ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông cung ứng phân bón đã được T.Ư HND Việt Nam thẩm định về chất lượng.
Đồng thời, HND tỉnh chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện của từng cấp hội; yêu cầu HND xã ký hợp đồng trách nhiệm với DN cung ứng phân bón để nâng cao vai trò của các cán bộ hội cơ sở; phối hợp với công ty cung ứng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về phân bón đến từng hộ dân.
Từ đầu năm tới nay, nông dân trên toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 800 tấn phân bón. Bà con không còn lo phân bón giả, nhái nhãn hiệu, kém chất lượng, có điều kiện để tập trung áp dụng KHKT vào canh tác. Bà Nguyễn Thị Lan ở xóm 4, thôn Cẩm Xuyên có hơn 8 sào ruộng, vụ đông vừa qua đã sử dụng gần 3 tạ theo hình thức mua phân trả chậm để bón cho lúa, cà chua, đỗ long châu.
Qua thu hoạch nông sản, bà Lan cho biết: “Tôi không phải bón thêm đạm hay lân mà cà chua vẫn bền cây, ít sâu bệnh, quả to và mọng hơn. Năng suất gần 5 tạ/sào (cao hơn gần 1 tạ/sào so với trước), mẫu mã quả đẹp, bán được giá hơn”.
Không chỉ giúp các hộ nông dân giảm được nỗi lo chi phí, yên tâm sản xuất mà thông qua các hoạt động của chương trình còn tăng cường được mối quan hệ gắn bó giữa hội viên, cán bộ HND cơ sở với tổ chức hội, giữa nông dân với DN.