Sáng ngày 12/10/2023, tại Văn phòng Chủ tịch nước, Ba Đình, Hà Nội; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có buổi gặp mặt và làm việc với đoàn đại biểu Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng một số doanh nghiệp tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Hồng Phong – PCT TƯ Hội DNT Việt Nam; Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông đã đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực Nông nghiệp Việt Nam có bài phát biểu, báo cáo trước Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về những kết quả, thành tựu đạt được trong những năm qua. Đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Sau đây là toàn văn bài phát biểu:
Kính thưa: Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và các doanh nghiệp.
Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón phục vụ nông nghiệp với quy mô 650 ngàn tấn sản phẩm/năm. Thành lập ngày 4 tháng 1 năm 1995, suốt gần 30 năm chỉ gắn bó với một lĩnh vực và đồng hành cùng những thăng trầm của nền nông nghiệp đất nước đã cho chúng tôi những góc nhìn chân thực và đa dạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
Trước hết phải kể đến là sự thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp một cách toàn diện trong 3 thập kỷ qua. Từ chỗ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, thiếu thốn và năng suất, hiệu quả thấp những năm 1990, đến nay chúng ta đã phát triển vượt bậc về năng suất, chất lượng và định hình một nền nông nghiệp cơ bản hiện đại. Khi Tiến Nông khởi nghiệp năm 1995, nông dân Thanh Hóa còn rất khó khăn mới mua được bao phân bón thì nay trên phạm vi cả nước chúng ta đáp ứng vượt trội các loại vật tư cho sản xuất và đưa nông dân trở thành người có quyền lựa chọn cao nhất trong chuỗi cung ứng đầu vào.
Người nông dân từ chỗ chỉ sản xuất tự cung tự cấp là chính đến nay đã trở thành chủ thể quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản; Nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đem về hàng chục tỷ usd cho đất nước mỗi năm.
Lực lượng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp chưa từng đông đảo như hiện nay. Từ cung ứng đầu vào, tự tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và thương mại sản phẩm nông nghiệp…đâu đâu cũng có thể thấy vai trò nổi bật của các doanh nghiệp.
Sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp đất nước trong những thập kỷ qua trước hết là do những chủ trương, chính sách đúng đắn và mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của nông dân cùng các chủ thể khác. Từ Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2008 đã định hình sự phát triển Nông nghiệp sau đổi mới, đến nay đã có hàng loạt chủ trương lớn đang giúp Nông nghiệp có cơ hội vươn lên có vị thế cao trên trường quốc tế, đó là: Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Tất cả khẳng định một mục tiêu xuyên suốt là làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ nông nghiệp vui mừng và phấn khởi trước những cơ hội lớn của ngành, đồng thời cũng nhận thức được trách nhiệm của mình nhằm đóng góp tích cực, chủ động và có ý nghĩa vào sự nghiệp đó. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động gắn bó với người nông dân, với sản xuất nông nghiệp, với địa bàn nông thôn, chúng tôi cũng xin được chia sẻ một số suy nghĩ đề xuất như sau:
Vấn đề thứ nhất: Để sự phát triển ngành nông nghiệp được đồng bộ, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước, Chính phủ xây dựng một bản đề cương chi tiết cấp quốc gia, trong đó bao gồm những mô hình phát triển được lựa chọn phù hợp và chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành phần tham gia trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Một cách diễn đạt khác, có thể xem đó là bản quy hoạch nông nghiệp chi tiết cấp quốc gia.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều tình trạng sản xuất tự phát, không có quy hoạch, kế hoạch dẫn đến hậu quả là làm giảm giá trị nông sản, ảnh hưởng môi trường sinh thái và tác động tiêu cực đến khả năng sản xuất lâu dài, ví dụ cụ thể như câu chuyện phát triển bộc phát rồi lụi tàn của cây cam ở Cao Phong (Hòa Bình), cây hồ tiêu ở Chư sê (Gia Lai) trong những năm qua và hiện nay nhiều người đang lo ngại cây sầu riêng cũng sẽ lặp lại câu chuyện đó.
Có quy hoạch rồi nhưng cần có các cơ chế pháp lý gắn với bản quy hoạch quốc gia đó, để làm cơ sở quản lý và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Một ví dụ cụ thể, đối với một diện tích đất trồng trọt ngoài việc quy hoạch đối tượng cây trồng và khung thời vụ, thì cũng cần phải có các quy chuẩn kỹ thuật như quan trắc và đưa ra yêu cầu bắt buộc về bổ sung hay hạn chế các yếu tố đầu vào để vừa phù hợp với mục đích/đối tượng sản xuất, vừa bảo vệ độ phì của đất cũng như môi trường sinh thái…Trên cơ sở đó, các thành phần tham gia sản xuất trên đất phải có phương án sản xuất phù hợp, giúp quản lý tốt và cạnh tranh lành mạnh.
Vấn đề thứ 2: Hiện nay, đa số nông dân vẫn tự sản xuất manh mún trên mảnh ruộng của mình, trồng loại nông sản quen thuộc rồi phần thì tự tiêu dùng, phần tự tìm cách bán hoặc trao đổi. Các mô hình liên kết với doanh nghiệp có nhưng còn ít và sản xuất quy mô lớn vẫn là bức tranh nhỏ trong tổng thể chung của ngành.
Vì vậy, cần tiếp tục có những chính sách thiết thực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình tích lũy tư liệu để sản xuất quy mô lớn. Đưa nông dân trở thành “công nhân nông nghiệp” là một cách để vừa thay đổi phương thức sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa tạo môi trường thuận lợi để họ nâng cao trình độ, kỹ năng và tác phong mới, trở thành lực lượng sáng tạo nòng cốt trong chuỗi sản xuất.
Vấn đề thứ 3: Dễ thấy rằng nông thôn là địa bàn khai thác nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình đô thị hóa: gỗ, cát, đất đá…và thực trạng khai thác thì ở đâu cũng có những dấu hỏi rất lớn về tính minh bạch, quy hoạch, quản lý phương thức khai thác…và hầu như đều nhìn thấy hiện trạng ô nhiễm, mất mỹ quan, làm suy giảm niềm tin của người dân nông thôn về sự nghiêm minh, nghiêm túc của cơ quan quản lý nhà nước.
Vì vậy, chúng tôi cũng mong Nhà nước vừa có chính sách để giữ gìn được hệ sinh thái bền vững của môi trường sống vùng nông thôn, vừa nghiêm minh trong việc xử lý các tiêu cực trong xã hội để xây dựng được một nông thôn mới đúng nghĩa. Tránh việc hình thành những kiểu đô thị lai tạp thiếu bản sắc ẩn dưới tên gọi nông thôn. Vốn dĩ bản sắc nông thôn hình thành từ quá trình lao động sản xuất nông nghiệp của nông dân, và việc giữ gìn phát huy được bản sắc đó cũng là giữ được tình yêu nông nghiệp, thì rồi từ đó mới đồng lòng phát triển nông nghiệp lâu dài, bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Phong - PCT TƯ Hội DNT Việt Nam, TGĐ Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông phát biểu báo cáo trước Chủ tịch nước và Tổng hội Nông nghiệp