Đã nhiều năm nay, Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông (Công ty Tiến Nông) không chỉ được biết đến là đơn vị sản xuất, cung ứng phân bón hàng đầu, mà còn là địa chỉ tin cậy của bà con nông dân trên bước đường hợp tác, phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tiếp theo những thành công trong lĩnh vực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nói chung, Công ty đã có thêm một bước tiến quan trọng, đó là được Ngân hàng Nhà nước chọn làm thí điểm cho vay sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao kỷ niệm chương cho Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Phong.
Khẳng định vị thế
Gần 20 năm sát cánh cùng nhà nông, Công ty Tiến Nông đã trở thành đơn vị sản xuất phân bón uy tín với công nghệ hiện đại, có đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Từ một xưởng sản xuất nhỏ và sản phẩm duy nhất là phân lân nung chảy, đến nay, Công ty Tiến Nông đã có 4 nhà máy với hệ thống dây chuyền sản xuất phân bón hiện đại , tổng công suất đạt 150.000 tấn/năm. Với khu liên hợp sản xuất rộng 21,5 ha tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn - Thanh Hóa, công suất 350.000 tấn/năm, chủ yếu sản xuất phân bón phức hợp công nghệ cao, phân bón hỗn hợp đa chức năng, phân hữu cơ sinh học, các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản…
Công ty Tiến Nông đang hướng tới trở thành doanh nghiệp đa ngành, đa nghề với việc thử sức trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản; trồng, chăm sóc kinh doanh cây cảnh… Hiện đơn vị đang có vườn cây kiểng nghệ thuật rộng trên 2.200m2 và dự kiến mở rộng lên 5.000m2, giá trị đầu tư cho vườn cây lên tới hàng chục tỷ đồng. Đến năm 2015, vườn cây sẽ đạt giá trị 20-30 tỷ đồng, bao gồm nhiều chủng loại cây quý hiếm.
Đón đầu cơ hội sản xuất-kinh doanh
Công ty Tiến Nông là một trong số các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được giới thiệu và đã được liên Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Ngân hàng Nhà nước) dự kiến đưa vào danh sách cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, những mô hình như của Công ty Tiến Nông là mô hình chuyển đổi từ sản xuất hộ gia đình sang mô hình liên kết hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã và mô hình doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa.
Hiện nay, trong chương trình cho vay thí điểm sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho khoảng 20-25 dự án làm thí điểm và kết thúc vào cuối năm 2015 để tổng kết, bổ sung vào sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ-CP về cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Để đón đầu cơ hội từ cơ chế chính sách của Nhà nước, Công ty Tiến Nông luôn luôn bám sát mục tiêu: Từng bước chuyển giao các kỹ thuật cho nông dân về quy trình sản xuất lúa hàng hóa, hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn, hiệu quả và năng suất cao hơn, từng bước đưa nông dân thoát nghèo. Về dài hạn, trên những cánh đồng mẫu lớn áp dụng sản xuất cơ giới hóa đồng bộ sẽ cho ra đời các sản phẩm lúa gạo chất lượng tốt, năng suất cao.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông cho biết: doanh nghiệp hiện đang triển khai mô hình liên kết với nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu với số lượng lớn tại các huyện: Yên Định, Hoằng Hóa, Quảng Xương…với tổng diện tích dự kiến 10.000 ha, sản xuất hai vụ/năm.
Theo tính toán của ông Phong, áp dụng mô hình này sẽ làm lợi cho người nông dân khoảng 2.000 đồng cho mỗi kg thóc. Công ty đã thuê đất của 165 hộ dân ở xã Hoàng Anh (TP. Thanh Hóa) để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Theo phân tích của ngân hàng, tổng vốn đầu tư để triển khai dự án dự kiến là hơn 197 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp hiện có là 59,3 tỷ đồng. Do vậy, doanh nghiệp ông Phong có nhu cầu vay thêm vốn ưu đãi từ ngân hàng là 138,2 tỷ đồng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Mô hình sản xuất lúa theo chuỗi liên kết khép kín áp dụng công nghệ cao như Công ty Tiến Nông rất phù hợp với định hướng, chủ trương cải cách, tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp mà Nhà nước đang triển khai thực hiện. Mô hình này cũng trùng với những dự án mà ngành ngân hàng đang chủ trương thí điểm triển khai nghiên cứu để tập trung đầu tư tín dụng.