KTNT - Nhiều năm qua, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hoá) đã không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp cải thiện, tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông giới thiệu sản phẩm của nhà máy với ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (thứ hai từ trái sang).
Tăng năng suất cho cà phê
Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam, là 1 trong 10 đơn vị sản xuất phân bón NPK lớn nhất nước với 4 nhà máy và hơn 5.000 lao động, tổng công suất đạt 500.000 tấn/năm.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty, cho biết: “Những năm qua, doanh nghiệp luôn quan tâm và coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, xem khoa học công nghệ là nền tảng để phát triển thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”.
Sản phẩm phân bón cho cây trồng của Công ty Tiến Nông không chỉ tập trung vào cây lúa mà còn áp dụng cho nhiều loại cây trọng điểm như: càphê, mía, đậu, cao su… Để làm được việc đó, Công ty đã phối hợp với nhiều tỉnh - thành, những vùng có các loại cây đặc thù để nghiên cứu và cung cấp các loại phân hữu ích, phù hợp nhất cho cây trồng.
Năm 2014, Công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai và Công ty CP XNK Càphê Intimex Nha Trang triển khai mô hình sử dụng bộ sản phẩm dinh dưỡng Tiến Nông cho cây càphê theo tiêu chuẩn 4C trên diện tích 7ha. Qua kiểm tra thực tế thấy, cây càphê phát triển tốt, cành nhánh đồng đều, bản lá to, dày, lá cây có màu xanh đen. Đất tơi xốp, khi đào xới lên thấy có giun đất, cây có nhiều rễ tơ. Đặc biệt, quả đóng chùm nhiều, đồng đều, nhìn bóng mượt hơn hẳn so với những vườn đối chứng. Những hộ nông dân tham gia mô hình đều có chung nhận xét: Trong quá trình thực hiện mô hình, được cán bộ Công ty Tiến Nông tư vấn kỹ thuật và sử dụng đồng bộ bộ sản phẩm dinh dưỡng Tiến Nông, cây càphê phát triển khỏe mạnh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, không phải dùng nhiều đến thuốc BVTV, hoa nở đồng đều, trái đóng chùm nhiều và hạn chế rụng trái non.
Nâng cao chất lượng cây mía
Không chỉ cung cấp dưỡng chất cho cây càphê, các sản phẩm của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông còn có tác dụng tốt trên cây mía, điều này được minh chứng rõ nhất qua sự hợp tác với Công ty Đường Nghệ An (NASU). Hiện, vùng nguyên liệu của NASU trải rộng trên 7 huyện, thị xã của vùng Tây Bắc Nghệ An, bao gồm Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu, Quế Phong, Yên Thành và thị xã Thái Hòa với diện tích theo quy hoạch là 22.500ha, được áp dụng kỹ thuật trồng mía hiện đại. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất, chất lượng, chữ đường mía, NASU đã kết hợp cùng Công ty Tiến Nông nghiên cứu, tìm tòi đưa ra giải pháp mang tính bền vững để áp dụng tại vùng nguyên liệu của NASU nói riêng và toàn tỉnh Nghệ An nói chung.
Để tạo môi trường đất phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mía, giúp cây mía tăng hiệu suất hấp thụ phân bón thì phải cải tạo hệ keo đất, nâng cao độ phì nhiêu và pH đến mức phù hợp, đồng thời bổ sung các yếu tố trung, vi lượng quan trọng như Si, Ca, Mg, Se, Bo... Giải pháp được Tiến Nông đưa ra là sử dụng sản phẩm “chất điều hòa pH đất”, sau đó tiếp tục chăm bón bằng bộ sản phẩm dinh dưỡng chuyên dùng cho cây mía (Mía 1 và Mía 2) của Tiến Nông. Để kiểm chứng từ thực tế đồng ruộng, NASU đã phối hợp cùng Tiến Nông triển khai mô hình trình diễn tại 3 địa điểm.
Đánh giá mô hình, ông Graham Cripps, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu NASU, khẳng định: “Ở thời điểm hiện tại, những nghiệm thức sử dụng sản phẩm Tiến Nông đều có sự khác biệt tương đối rõ về biểu hiện hình thái như lá xanh, dày, thân mía to, khả năng vươn lóng mạnh hơn các công thức đối chứng’’.
Tại xã Hà Long (Hà Trung), trực thuộc vùng nguyên liệu mía Việt Đài Thanh Hóa, Công ty Tiến Nông phối hợp cùng Công ty TNHH Mía đường Việt Đài, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Long tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá hiệu quả cánh đồng sử dụng đồng bộ sản phẩm dinh dưỡng cây trồng chuyên dùng cho mía của Tiến Nông.
Ông Bành Kiến Tạo (người Đài Loan - Trung Quốc), Trưởng phòng Nguyên liệu của Công ty TNHH Mía đường Việt Đài cùng toàn bộ các trạm trưởng nông vụ, nhận xét: “So với các ruộng bên cạnh, mía tại cánh đồng sử dụng dinh dưỡng của Tiến Nông phát triển đồng đều, mật độ đảm bảo, lóng vươn dài và to hơn, độ pH ổn định. Giải pháp này giúp bà con giảm lượng phân bón, giảm các tác động tiêu cực đến môi trường”.
Tác dụng tốt trên lúa
Tại một số tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Nội, Bắc Giang…, trong năm 2015, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ, đánh giá thực hiện mô hình sử dụng đồng bộ dinh dưỡng N.P.K. Si Tiến Nông trên cây lúa.
Tại Tuyên Quang, khi sử dụng đồng bộ dinh dưỡng N.P.K.Si trên lúa mùa thấy cây sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung, khả năng chống sâu bệnh khá, thân cây to khỏe chống đổ tốt, năng suất trung bình 240kg/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m²).
Tại Hà Nội, kết quả của mô hình trình diễn kỹ thuật sử dụng phân bón trên cây lúa ở xã Dị Nậu (Thạch Thất) cho thấy, năng suất lúa mùa năm 2015 được bón phân N.P.K Si Tiến Nông cho năng suất cao hơn phân NPK khác 7 tạ/ha (tương đương 25 kg/sào). Tại xã Minh Quang (Ba Vì) cũng cho năng suất cao hơn 28kg/ sào so với ngoài mô hình. Hơn nữa, sử dụng đồng bộ sản phẩm dinh dưỡng của Tiến Nông còn góp phần hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh. Từ kết quả đó, đến đầu quý II/2015, Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội đã phối hợp với Công ty Tiến Nông xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sử dụng phân bón trên cây lúa ở các xã Dị Nậu, Hương Ngải (huyện Thạch Thất), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và xã Minh Quang (huyện Ba Vì)