Những ngày cuối tháng 4, tôi có dịp đi cùng đoàn Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam sang thăm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và tham dự Hội chợ Agritech 2015 tại Israel theo lời mời của đại sứ Israel tại Việt Nam. Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng và niềm tin vào sự cất cánh của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai không xa.
Trưởng đoàn là ông Trương Gia Bình, vị doanh nhân nổi tiếng với thương hiệu FPT đạt doanh số gần 2 tỷ USD, nhưng ít người biết ông chính là Chủ tịch Hội DNT Việt Nam khóa đầu tiên và vẫn đang rất tâm huyết với phong trào doanh nhân trẻ. Ý tưởng đưa đoàn doanh nhân sang Israel để nghiên cứu mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng chính ông đưa ra. Khi được hỏi tại sao đang rất bận rộn với thương hiệu FPT thành công trong lĩnh vực phần mềm ông lại vẫn dành thời gian quan tâm đến nông nghiệp, ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Tôi muốn tin học hóa nông nghiệp”. Dù vậy, chúng tôi đều hiểu trăn trở của ông.
Đoàn DNT Việt Nam tại Agritech 2015-Israel
Tiếp chúng tôi tại Phòng thương mại và công nghiệp Israel (FICC), ông Zeev Lavie – Giám đốc đối ngoại FICC đã nồng nhiệt chào đón đoàn và giới thiệu về nền kinh tế Israel, những thế mạnh, tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp với kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh kim ngạch hợp tác song phương giữa Việt Nam và Israel. Ông Zeev Lavie cũng chia sẻ về chiến lược phát triển khoa học công nghệ gắn chặt chẽ với thị trường của Israel nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu hơn về cách mà người Israel đạt được những kết quà đáng ngưỡng mộ trong thời gian qua. Mặc dù đã nghe nhiều, đọc nhiều về đất nước Israel, tôi vẫn thực sự khâm phục cách mà cả quốc gia này luôn trong tinh thần khởi nghiệp. Người Israel không ngừng tìm kiếm sự cải tiến – đó không phải là khẩu hiệu, đó là tinh thần luôn thường trực trong họ. Các cơ quan nhà nước ở bên cạnh hỗ trợ từ khi có ý tưởng đến khi ra thị trường. Và quan trọng là, khi đã hoàn thiện công nghệ, họ luôn tìm kiếm thị trường trước khi sản xuất.
Tôi đã gặp lại đúng tinh thần đó khi đến thăm một trang trại chuyên trồng rau hữu cơ thuộc quản lý của Green 2000 – một công ty cung cấp các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao của Israel. Tiếp và trao đổi với chúng tôi, ông Amb.Daniel Pinhassi – quản lý dự án đã chia sẻ rất thật: Doanh nghiệp Israel chúng tôi không kinh doanh lãng mạn, mà phải luôn luôn thực tế. Chúng tôi cũng khuyên các bạn hãy xuất phát từ nhu cầu và thế mạnh của chính mình, còn công nghệ chúng tôi có đến đâu sẽ chia sẻ với các bạn đến đó.
Thông qua sự giới thiệu của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, chúng tôi đã thăm thực tế hai mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp điển hình của Israel là Moshav và Kibbutz. Trong đó, Moshav là hình thức tổ chức kiểu doanh nghiệp nông nghiệp thuộc sở hữu tư nhân tại nông thôn. Mỗi Moshav có nhiều trang trại sản xuất với diện tích lớn, vừa sản xuất vừa chuyển giao công nghệ, bán giải pháp. Thực ra chúng tôi đã không xa lạ với các mô hình sản xuất nhà kính, nhà lưới ở Việt Nam, nhưng quy mô và khả năng kiểm soát tự động, chặt chẽ quá trình sản xuất ở đây vẫn để lại ấn tượng trong chúng tôi.
Thăm quan thực tế sản xuất tại một Moshav
Kibbutz thì gần giống như mô hình hợp tác xã của Việt Nam về mặt sở hữu, tức là có nhiều hội viên tham gia góp vốn và tư liệu sản xuất. Điểm khác biệt là các gia đình hội viên ở tập trung trong một khu với đầy đủ hạ tầng và điều kiện cho sinh hoạt. Lãnh đạo Kibbutz điều hành như mô hình doanh nghiệp, sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau nhằm tạo doanh thu và lợi nhuận cho hội viên. Chúng tôi rất ấn tượng với cuộc sống thanh bình tại Kibbutz mà đoàn đến thăm với những hình ảnh công viên, cây xanh, khu vui chơi trẻ em, nhà ăn tập thể…
Toàn bộ hệ thống canh tác được ứng dụng hệ thống điều khiển tự động gồm hệ thống tưới nước, bón phân và kiểm soát các điều kiện môi trường. Cách thức canh tác đa dạng từ canh tác ngoài trời đến trong nhà kính, nhà lưới; từ trồng cây trên đất, trên giá thể đến thủy canh. Điểm nổi bật của hệ thống canh tác tại Israel là tối ưu hóa đầu vào, tạo ra năng suất cao và sản phẩm được kiểm soát chất lượng chặt chẽ.
Quang cảnh thanh bình trong một kibbutz
Gặp gỡ Đại sứ Việt Nam tại Israel Tạ Duy Chính, ông Trương Gia Bình chia sẻ: Chúng tôi đến Israel khi trong đầu đang nung nấu một chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam với ba ý tưởng chủ đạo: một là doanh nghiệp hóa nông thôn, hai là công nghệ tốt nhất thế giới và ba là thị trường toàn cầu. Cốt lõi là lực lượng doanh nhân trẻ sẽ về nông thôn phát triển doanh nghiệp, đem công nghệ tốt nhất thế giới về và tư duy bán sản phẩm ra toàn cầu, đặc biệt là những thị trường chấp nhận nông sản giá trị cao. Chúng tôi tin tưởng Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ ủng hộ tầm nhìn và quyết tâm của đội ngũ doanh nhân trẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đến những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại nhất thế giới để rồi về triển khai tại Việt Nam.
Ông Trương Gia Bình đang trao đổi cùng Đại sứ Việt Nam tại Israel
Trong đoàn có nhiều doanh nhân hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những nhìn nhận và chia sẻ thú vị về chuyến đi. Ông Nguyễn Hồng Phong, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Chủ tịch Hội DNT Thanh Hóa, TGĐ Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông – đơn vị đã có 20 năm kinh nghiệm sản xuất phân bón và dịch vụ nông nghiệp đã chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với những gì người Israel làm nông nghiệp, nhưng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam có thể làm được như thế, thậm chí tốt hơn. Vì chúng ta có quá nhiều điều kiện thuận lợi hơn Israel trong lĩnh vực nông nghiệp. Cái giỏi của họ là công nghệ - chúng ta có thể mua được, tiếp đến là khả năng làm thị trường (marketing) – chúng ta cần phải học hỏi họ. Ngày nay thế giới biết đến Israel như là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển thần kỳ khi họ xây dựng trên nền tảng một quốc gia với quá nửa là sa mạc, mặc dù thực tế nông nghiệp chỉ chiếm 2% trong tổng giá trị kinh tế năm vừa qua. Việt Nam chúng ta có nhiều câu chuyện thậm chí hay hơn thế mà thế giới chưa biết rõ: chúng ta đi từ một nước đói ăn trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới, xuất khẩu hồ tiêu nhất nhì thế giới…chúng ta phải tự hào, thế giới phải kính nể và đến Việt Nam để tìm hiểu về những câu chuyện đó. Thế nhưng chúng ta đã thua người Israel về cách làm marketing. Bây giờ, đội ngũ doanh nhân trẻ chúng tôi quyết tâm muốn thay đổi cuộc chơi trong nông nghiệp. Hãy nhìn bài học của FPT về phần mềm để thấy rằng chúng tôi không lãng mạn khi thể hiện quyết tâm của mình.
Đúng vậy, trên đường đi vị chủ tịch nổi tiếng của FPT đã chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp với phần mềm khiến chúng tôi thêm tự tin gấp bội. Khi FPT khởi nghiệp không ai tin rằng Việt Nam sẽ thành công với phần mềm, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Với nông nghiệp thì khác, tiềm năng nông nghiệp Việt Nam không ai phủ nhận được, chỉ thiếu cách làm và quyết tâm thực hiện.
Riêng cá nhân tôi đã ấn tượng nhất với một hình ảnh trong chuyến công tác, đó là câu nói mà người Israel trưng lên trang trọng giữa không gian hội chợ nông nghiệp tầm cỡ quốc tế: Nông nghiệp là văn hóa của chúng tôi (Agri is our Culture). Phải chăng đó là nguyên nhân sâu xa giải thích cho thành công của họ?
Nông nghiệp là văn hóa của Israel dù chỉ đóng góp 2% trong nền kinh tế, còn Việt Nam tại sao không?
Lên đường trở về nước, đoàn công tác của Hội DNT Việt Nam quyết tâm thành lập nhóm chuyên trách phát triển các lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam theo hướng công nghệ cao với tinh thần không chỉ làm kinh tế, mà còn bởi lòng tự tôn dân tộc. Những ai tâm huyết với nông nghiệp đất nước sẽ vui mừng trước sự chủ động của đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam.
Huan686@tiennong.vn