Hạn hán kéo dài thời gian qua ở khu vực Tây Nguyên được nhận định là do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất một số đối tượng cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Theo thống kê của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT đã có 110.766 ha cây công nghiệp tại Tây Nguyên bị ảnh hưởng do hạn hán, trong đó có 7.586 ha mất trắng, còn lại đa số diện tích bị ảnh hưởng và thiệt hại dưới 70%. Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã có mưa đầu mùa, vì vậy toàn ngành nông nghiệp đang khẩn trương chỉ đạo triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất. Đó cũng là chủ đề chính của Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tại huyện Chư Pưh ngày 26 tháng 5 năm 2016.
Hình 1. Toàn cảnh Diễn đàn
Tại công văn số 936/TT-CCN ngày 17 tháng 5 năm 2016, Cục trồng trọt đã ban hành hướng dẫn chi tiết về một số biện pháp kỹ thuật khắc phục sau hạn hán cho cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Ngay tại Diễn đàn, Trung tâm khuyến nông quốc gia, các Sở NN&PTNT, các cơ quan nghiên cứu như Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên… đã chia sẻ các biện pháp khôi phục bộ rễ cây trồng, cắt tỉa tạo tán để nuôi chồi mới trong điều kiện bộ rễ và nhiều cành bị tổn thương do hạn hán; Che phủ quanh gốc để giữ ẩm và chú ý phòng trừ bệnh hại có thể phát sinh khi có mưa ẩm. Đối với cây cà phê thời điểm này đang vào giai đoạn tăng kích thước hạt, yêu cầu dinh dưỡng rất lớn, nếu thiếu hụt hoặc mất cân đối sẽ xảy ra hiện tượng rụng nhiều trái non, giảm năng suất, vì vậy cần cung cấp đầy đủ, cân đối và kịp thời các chất dinh dưỡng cần thiết.
Những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp như Syngenta, Tiến Nông, Khang Thịnh (Netafim)…đã có mặt tại Diễn đàn để chia sẻ thông tin và đưa đến những giải pháp ứng dụng tốt nhất cho cây trồng. Ông Cao Văn Quang - Giám đốc vùng Tây Nguyên công ty Tiến Nông cho biết: "Tại khu vực hai tỉnh Gia Lai và Kontum tập trung gần 10.000 ha cà phê và hồ tiêu bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài vừa qua, nay đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa quý giá. Vì vậy, công ty đã huy động tối đa cán bộ kỹ thuật đi xuống tận vườn, phối hợp cùng hệ thống đại diện khắp các huyện để tư vấn, hỗ trợ bà con nông dân các biện pháp chăm sóc cây trồng theo tinh thần chỉ đạo khẩn trương của ngành nông nghiệp. Chúng tôi cũng tăng cường khuyến cáo bà con nông dân nên lựa chọn các sản phẩm phân bón chuyên dùng cho cà phê và hồ tiêu, kết hợp với các biện pháp cải tạo đất, áp dụng đúng quy trình để tiết kiệm chi phí và đảm bảo khả năng phục hồi cho cây trồng."
Hình 2. Một khu vực giới thiệu giải pháp dinh dưỡng cho cây cà phê và hồ tiêu tại Diễn đàn
Thực tế cho thấy, sau thời gian dài thâm canh cà phê, hồ tiêu thì môi trường đất có hiện tượng chua hóa, pH đất hiện chỉ ở mức 4.2 – 5.0, đặc biệt trong điều kiện hạn hán kéo dài sẽ càng bất lợi cho cây trồng. Vì vậy, nhiều giải pháp đã tập trung vào việc cải tạo, điều hòa pH đất ngay khi có ẩm và trước khi sử dụng phân bón.
Các dự báo và thực tiễn đều cho thấy diễn biến khô hạn còn phức tạp, có xu hướng gay gắt hơn trong những năm tiếp theo. Do đó, việc đẩy mạnh áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối theo hướng chuyên dùng cho từng đối tượng cây trồng, cải tạo đất để tăng hiệu suất sử dụng dinh dưỡng, sử dụng hợp lý giữa phân bón hữu cơ và vô cơ, sử dụng giống chịu hạn…là rất cần thiết.