Sáng ngày 11-7-2019, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức hội nghị Sơ kết hoạt động Hội 6 tháng đầu năm 2019 và đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. Đặc biệt, tại hội nghị cũng đã diễn ra sự kiện quan trọng với việc ký thõa thuận đỡ đầu 1000 trẻ mồ côi và các dự án khởi nghiệp của thanh niên khuyết tật giữa Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam do ông Nguyễn Hồng Phong, Phó chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Công – Nông nghiệp Tiến Nông đại diện.
Về dự hội nghị có các ông, bà: Lương Văn Cừ, Chủ tịch Trung ương Hội bảo trợ người khuyết tật Việt Nam; Nguyễn Hồng Phong, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Công – Nông nghiệp Tiến Nông; Hà Thị Liên, Nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Nguyễn Trọng Đàm, Phó chủ tịch Trung ương Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; các đồng chí của Bộ Lao động Thương bình & Xã hội; lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh Bình Định; cùng đông đảo các đại biểu thành viên Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi đến từ 46 tỉnh, thành trong cả nước.
Nội dung của Hội nghị đã Báo cáo sơ kết các hoạt động của Hội 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, 6 tháng đầu năm, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động, chủ trì, điều phối hoạt động với số tiền và hiện vật quy tiền ủng hộ là 339 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2018 là 315 tỷ đồng), hoạt động phối hợp với đơn vị khác là 28,5 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2018 là 33 tỷ đồng). Một số tỉnh, thành Hội trực tiếp vận động quỹ và điều phối hoạt động đạt khá, trong đó phải kể đến: Lâm Đồng 57 tỷ; Vĩnh Long 39 tỷ đồng; An Giang 27 tỷ đồng; Đồng Tháp 17 tỷ đồng; Tiền Giang, Bình Dương, Cà Mau 11 tỷ đồng;… Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động của Hội cũng gặp không ít những khó khăn như tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,… khiến đời sống sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn. Một số thành viên ở một số tỉnh có xáo trộn.
Trên cơ sở chương trình công tác Hội và những kết quả 6 tháng đầu năm đã đạt được, 6 tháng cuối năm 2019, Hội đã tập trung một số nhiệm vụ trong tâm như: Tích cực thực hiện Nghị quyết đại hội V, tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp, hoạt động đã đề ra cho năm 2019, phấn đầu hoàn thành vươt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 của Hội. Tập trung vào các hoạt động: Trợ giúp NKT, TMC, các hộ nghèo tiếp cận dịch vụ y tế, tăng số người được tặng thẻ BHYT; mở rộng các mô hình dạy nghề với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở cộng đồng; hỗ trợ cải thiện sinh hoạt, sinh kế cho NKT, TMC tại các xã xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững,… Triển khai các hoạt động tuyên truyền tới kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết 3/12;...
Lễ ký kết về việc đỡ đầu cho 1000 trẻ em mồ côi
Đặc biệt, cũng trong Hội nghị sáng nay, đã diễn ra lễ ký kết thõa thuận đỡ đầu 1000 trẻ mồ côi và các dự án khởi nghiệp của thanh niên khuyết tật giữa Hội và Hội DNT Việt Nam. Anh Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Công – Nông nghiệp Tiến Nông đã thay mặt lãnh đạo Hội ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, trên tinh thần tự nguyện vì sự phát triển chung, hai bên nhất trí cùng phối hợp với nội dung cụ thể như sau: Trong thời hạn 2 năm, từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 7 năm 2021, Hội DNT Việt Nam phát động Doanh nhân trẻ cả nước nhận đỡ đầu cho 1000 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ tối thiểu từ 500 nghìn đồng/tháng trở lên cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Hội DNT Việt Nam nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp của các thành niên mồ côi, khuyết tật. Đây là một chương trình hợp tác ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn giữa hai Hội. Chương trình sẽ động viên, giúp đỡ những trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có điều kiện đi học, không bỏ học và tự tin vươn lên trong cuộc sống. Tạo điều kiện cho thanh niên khuyết tật và mồ côi có cơ hội khởi nghiệp và lập nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Phong phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại lễ ký kết, Anh Nguyễn Hồng Phong, Phó chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Công – Nông nghiệp Tiến Nông cho rằng, xứ mệnh của doanh nhân là tạo ra của cái vật chất nhưng bổn phận của doanh nhân là sẽ chia. Có như vậy mới tạo ra được cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, bình an. Anh Phong cũng tỏ lòng biết ơn gửi đến các thành viên trong Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vì đã dành tình yêu thương vô bờ bến cho trẻ mồ côi – những con người yếu thế trong xã hội. “Những giúp đỡ của các thành viên trong Hội đã tạo động lực, niềm tin cho nhiều cháu, em tự tin vươn lên trong cuộc sống, xây đắp tương lai” – Anh Nguyễn Hồng Phong nhấn mạnh. Tiếp theo, anh Phong cũng đã dành nhiều thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân trong việc triển khai bảo trợ trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: “Tôi bắt đầu làm từ thiện và nhận trẻ mồ côi từ năm 1998, với kinh phí 50 nghìn đồng/cháu/tháng; hiện tại tôi đang nhận đỡ đầu cho 63 trẻ. Tôi gọi quỹ bảo trợ của tôi với cái tên ấm áp: Gia đình Tiến Nông – mái ấm tình thương. Nhiều trẻ đã thành công trong cuộc sống, thậm chí trở thành ông chủ của doanh nghiệp. Theo tôi, phải xem từ thiện phải là một sản phẩm nhân văn, phải giúp đúng người, đúng thời điểm. Đã giúp ai thì phải giúp đỡ đến cùng, để họ thành công trong cuộc sống, trở thành con người có ích cho xã hội. Mỗi sản phẩm trưởng thành, coi như hoạt động nhân đạo của mình đã thành công. Bước đầu, 1000 cháu sẽ là 1000 nền tảng, nên phải lựa chọn những cháu thực sự bất hạnh, đúng tiêu chí. Bản thân tôi mong muốn trong thời gian tới, hai Hội sẽ liên kết chặt chẽ hơn, phối hợp nhịp nhàng thực hiện xứ mệnh nhân văn gửi đến xã hội”.
Một số hình ảnh tại hội nghị: