Hội nghị Ban thường vụ Hiệp hội Phân bón mở rộng

quehuongngaynay.vn 3/16/2016 4:34:37 PM

Ngày 10/3/2016, tại Khách sạn Rex (TP. Hồ Chí Minh) TW Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban thường vụ mở rộng. Chủ trì Hội nghị là ông Nguyễn Anh Dũng, Đại biểu Quốc hội Khóa 13 – Chủ tịch Hiệp hội và ông Nguyễn Hạc Thúy, Thành viên Tổ thị trường trong nước của Chính phủ - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội. Về dự hội nghị có các đồng chí trong Ban thường vụ, một số Ủy viên Ban chấp hành, cùng đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) và một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn ở khu vực phía Nam. Phân bón Phú Mỹ (PVFCCo) là đơn vị tài trợ hội nghị.

Hội nghị đã biểu quyết thống nhất cho rút 6 Ủy viên Ban thường vụ cũ vì nghỉ hưu, không còn công tác trong ngành phân bón hoặc chuyển công tác tác; Đồng thời bổ sung 6 Ủy viên Ban thường vụ mới và bầu bổ sung 1 Phó Chủ tịch Hiệp hội và Trưởng ban về URE. Nhiều vấn đề nóng liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành phân bón, ảnh hưởng đến nền nông nghiệp nước nhà và quyền lợi của người nông dân được đưa ra thảo luận. Các doanh nghiệp cũng có nhiều kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước những bất cập trong vấn đề kiểm nghiệm, hợp quy và cấp giấy phép sản xuất phân bón. Ông Phan Huy Đức, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Giang (Lâm Đồng) cho rằng quản lý phân bón giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương chưa phối hợp nhịp nhàng, doanh nghiệp của ông đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ hàng chục tỷ đồng, sản xuất có uy tín nhưng đến nay vẫn bị vướng trong cấp giấy phép.

Ông Nguyễn Hạc Thúy trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: THÁI BÌNH

“Việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, theo quy định tại Điểm g, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 202/2013/NĐ-CP trường hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân vừa sản xuất phân bón vô cơ, vừa sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức thực hiện. Tuy nhiên từ khi Nghị định 202 có hiệu lực đến nay, việc phối hợp thanh tra, kiểm tra phân bón giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT chưc được thực hiện. Hay như, Điểm a Khoản 3 Điều 8 Nghị định 202 quy định việc cấp Giấy phép sản xuất khi đơn vị được cấp phép phải có “Đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học”, thì hầu hết các đơn vị sản xuất hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này. Đến nay, Bộ NN&PTNT mới cấp được 1 giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác...”, ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) đề nghị sản xuất phân bón là nghề kinh doanh có điều kiện, do đó trước khi cấp giấy phép sản xuất, cần Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các Sở Kế hoạch & Đầu tư xem xét về điều kiện đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp phải có vốn pháp định, ví dụ như mức 20 tỷ trở lên. Nếu không sẽ trở thành “kẽ hở” cho những kẻ làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhái. Ngoài ra, cần có quy hoạch doanh nghiệp sản xuất phân bón chi tiết đối với từng địa phương, giống như thành công trong quy hoạch ngành mía đường...

Hiện nay, cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón. Riêng TP. Hồ Chí minh có 491 công ty, chi nhánh trong đó có 267 đơn vị sản xuất phân bón. Tỉnh Long An có 42 Công ty, Đắc Lắc 37 Công ty, Đồng Nai 47 Công ty, Đồng Tháp 21 Công ty, Thanh Hóa 22 Công ty, Hải Dương 10 Công ty, Bình Thuận 6 Công ty, Bình Phước 13 Công ty... Cả nước chỉ có 3 tỉnh không có đơn vị sản xuất phân bón là Kon Tum, Điện Biên, Sơn La. Nếu tổng điều tra chi tiết thì có thể cả nước sẽ có trên 1000 cơ sở sản xuất phân bón. Về vấn đề VAT cho phân bón, Hội nghị đã thống nhất trình Chính phủ và Quốc hội xem xét giữ nguyên mức thuế 5% như trước đây...

Nhiều vấn đề nóng liên quan đến ngành phân bón đã được Hội nghị thảo luận, thống nhất kiến nghị Chính Phủ và các Bộ ngành liên quan xem xét trong thời gian tới. Ảnh: NGÔ GIA

Hội nghị thống nhất kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương, Nông nghiệp & PTNT hoàn thành sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 202 và các Thông tư 29 và 41. Chính phủ chỉ thị hoặc bằng văn bản pháp luật chỉ đạo các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Nếu tỉnh, thành để xảy ra thì tỉnh thành chịu trách nhiệm, huyện thị để xảy ra thì huyện thị chịu trách nhiệm, xã phường để xảy ra thì xã phường chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tổ chức phân bón giả, phân bón kém chất lượng trong địa bàn và có chế tài phạt nặng. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & PTNT công bố những đơn vị sản xuất phân bón đã cấp phép hợp quy trên mạng. Chính phủ chỉ đạo cần có một cuộc hội thảo Quốc gia gồm các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & PTNT, TW Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công an, Văn phòng Thường trực 389 Quốc gia để xây dựng tiêu chí, quy chế Quốc gia đi đôi với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 202 nhằm lập lại trật tự thị trường phân bón.

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP