HỘI THẢO CHIA SẺ KINH NGHIỆM QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ BẢO DƯỠNG DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT PHÂN BÓN – NHỮNG KINH NGHIỆM “BÍ MẬT” ĐƯỢC “BẬT MÍ”

Lê Ngân 12/14/2022 3:54:12 PM

Ngày 26/11/2022 tại Đà Nẵng, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón”. Hội thảo quy tụ hầu hết các ngành sản xuất phân bón Việt Nam, từ urea, DAP, supe phosphate, lân nung chảy,….đến NPK, phân bón lá,...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá, ngành phân bón Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ chủ động được nguồn cung trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm sang hơn 20 quốc gia khác trên thế giới.

 TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hiện nay, cả nước có 4 nhà máy sản xuất urea, trong đó 2 nhà máy sử dụng nguyên liệu than, 2 nhà máy sử dụng nguyên liệu khí; 3 đơn vị sản xuất DAP, 4 cơ sở sản xuất phân bón supe phốt phát; 3 cơ sở sản xuất lân nung chảy và hàng trăm đơn vị sản xuất phân bón NPK, một đơn vị sản xuất phân kali SOP và các loại phân bón khác. TS Phùng Hà cho biết thêm, mặc dù đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của thị trường trong nước nhưng thời gian qua, một số nhà máy sản xuất phân bón vẫn còn chú trọng vào số lượng chứ chưa thật sự quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng sản phẩm, công nghệ. Sức cạnh tranh của ngành phân bón Việt Nam vẫn thấp vì những vướng mắc nhất định trong chất lượng và công nghệ. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của ngành phân bón Việt Nam vẫn thấp; việc điều hành sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều thách thức.

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo dưỡng thiết bị phân bón” được tổ chức với mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình quản lý, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa giữa các đơn vị thành viên, đồng thời có thể phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn nội lực về quản lý kỹ thuật công nghệ của các đơn vị, từ đó tối ưu hóa công năng của các nhà máy sản xuất phân bón, nâng cao vị thế của doanh nghiệp, góp phần đưa ngành phân bón Việt Nam lên tầm cao mới.

NHỮNG “BÍ MẬT” ĐƯỢC “BẬT MÍ”

Đầu tư cho công tác đào tạo nhân sự chất lượng cao tiến tới làm chủ công nghệ

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng công nghệ Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau chia sẻ: Nhằm nâng cao nhân sự trong lĩnh vực bảo dưỡng, nhà máy đã đầu tư cho công tác đào tạo nhân sự chất lượng cao. Đồng thời trang bị thiết bị hiện đại và bảo dưỡng hiện đại, cao cấp để đưa ra các kế hoạch bảo dưỡng phù hợp. Đội ngũ bảo dưỡng của Đạm Cà Mau nhìn chung đã làm chủ được khoa học công nghệ và dần làm chủ việc bảo dưỡng, thậm chí còn tiến hành bảo dưỡng cho các dự án khác trong nước như Nhà máy Đạm Ninh Bình và sắp tới sẽ mở rộng đưa công tác bảo dưỡng ra nước ngoài. Hiện đội ngũ kỹ sư Phân bón Cà Mau ngày càng cho thấy khả năng làm chủ công nghệ, hệ thống máy móc tiên tiến, độc lập bảo dưỡng toàn hệ thống hơn 2.000 hạng mục lớn nhỏ mà không cần chuyên gia nước ngoài. Mới đây nhất, từ ngày 18/8 đến 4/9/2022, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Nhà máy đạm Cà Mau đã nỗ lực hoàn thành toàn bộ đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ theo đúng kế hoạch.

Ưu tiên sử dụng thiết bị trong nước, nâng cao năng lực đội ngũ kỹ sư trong công tác vận hành bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón

Ông Đặng Quang Hùng - Phó trưởng ban phụ trách - Ban Kỹ thuật an toàn - Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết, hiện Đạm Phú Mỹ có đội ngũ khoảng 300 chuyên gia, kỹ sư được đào tạo bài bản về vận hành, bảo dưỡng với các chứng chỉ quốc tế. Từ khi hoạt động đến nay, Đạm Phú Mỹ đã thực hiện 10 đợt bảo dưỡng tổng thể, đảm bảo việc vận hành 300 ngày liên tục trong năm. Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiện công tác vận hành bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón của Đạm Phú Mỹ đã và đang tiến hành “nội địa hóa” các thiết bị sản xuất được trong nước. Thực tế, chi phí mua thiết bị bảo dưỡng từ nước ngoài về gấp 5 đến 10 lần, nên việc sử dụng thiết bị trong nước là ưu tiên hàng đầu của Đạm Phú Mỹ. Việc sử dụng thiết bị Việt Nam sản xuất và nâng cao năng lực đội ngũ kỹ sư trong công tác vận hành bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón được Đạm Phú Mỹ đặt quan tâm lên hàng đầu.

Chủ động công nghệ sản xuất, phát huy tinh thần sáng tạo, tư duy đột phá, tối đa nội lực

Ông Nguyễn Ngọc Huấn – Giám đốc chiến lược Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết, ngoài việc đầu tư vào công nghệ thì các nhà máy sản xuất NPK hay sản xuất phân bón hũu cơ cũng cần quan tâm đến yếu tố  “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Hiện nay Tiến Nông đang sử dụng và làm chủ công nghệ hơi nước đa nhiệm để sản xuất NPK và phân hữu cơ. Tuy nhiên qua thực tiễn cho thấy, quá trình sản xuất NPK mà trời mưa, không khí ẩm thấp thì hiệu quả rất thấp, lúc này Tiến Nông sẽ tạm ngừng sản xuất, tập trung cho công tác đào tạo và phát triển thị trường. Quan điểm của Tiến Nông là đời sống của người lao động có tốt thì họ mới gắn bó với doanh nghiệp, mới có tinh thần cống hiến cho doanh nghiệp, từ đó phát huy tinh thần sáng tạo, tư duy đột phá, tối đa nội lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn – Giám đốc chiến lược Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông phát biểu.

Ông Phạm Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển chia sẻ: “Hiện nay, diễn biến của thị trường phân bón trên thế giới rất khó lường, tác động nhiều mặt đến sản xuất kinh doanh trong nước. Đối với sản xuất phân lân hiện nay và những năm tới có nhiều khó khăn như nguyên nhiên liệu tăng giá, khan hiếm cục bộ; giá vận tải tăng, nhu cầu tiêu dùng về lượng suy giảm do thay đối cơ cấu sản xuất nông nghiệp, do nông dân khó khăn về vốn đầu tư,…Việc tăng giá sản phẩm phân lân nung chảy không bù được tăng giá của nguyên nhiên liệu để sản xuất và các dịch vụ liên quan. Công ty đang tập trung những giải pháp để thích ứng với tình hình mới, duy trì ổn định và đảm bảo hiệu quả sản xuất. Thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí định mức, tăng năng suất lao động, hạ giá thành để có điều kiện quan tâm hơn đến việc làm, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, đặc biệt là cải thiện điều kiện làm việc và tăng thu nhập để người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Ông Ông Phạm Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển phát biểu.

Ông Đỗ Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vật t­ư Nông sản (Apromaco) nhận định: Theo thực tế tại các nhà máy, sau 5-6 năm đi vào hoạt động, chi phí bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị hàng năm ở các dây chuyền sản xuất phân bón phát sinh rất lớn, có thể đến 15 – 20% giá trị thiết bị máy móc đầu tư nếu không chú ý đúng mức công tác vận hành và bảo dưỡng phù hợp. Ông Hùng cũng đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm cần lưu ý trong công tác vận hành bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón. Thứ nhất là là dây chuyền thiết bị phải được thiết kế vận hành một cách hợp lý, đảm bảo sự thông thoáng trong nhà xưởng. Thứ hai là cần chuẩn hoá các hạng mục thiết bị trong dây chuyền, đưa về cùng một loại hoặc càng ít loại càng tốt để thuận tiện cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế. Thứ ba là ứng dụng phần mềm quản lý/lập sổ theo dõi tình trạng các máy móc thiết bị từ khi trang bị, đặc tính kỹ thuật, quá trình bảo dưỡng, sửa chữa…Thứ tư là sử dụng các nguyên vật liệu phù hợp, ưu tiên tối đa các vật liệu có khả năng chống ăn mòn hóa học. Thứ năm là chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, công nhân về vận hành và bảo dưỡng máy móc thiết bị nhằm nâng cao tay nghề và ý thức trách nhiệm đối với sử dụng thiết bị.

 Ông Đỗ Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vật tư Nông sản (Apromaco) phát biểu.

Mục tiêu, giải pháp công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng dây chuyền, thiết bị NPK

Ông Võ Anh Tuấn – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết có 4 mục tiêu chính đó là: Đảm bảo an toàn cho người và máy móc; Giảm tối đa tác động của quá trình sản xuất đến môi trường làm việc và xung quanh; Nâng cao năng suất và duy trì ổn định chất lượng sản phẩm; Kiểm soát định mức nhằm tăng cường tiết kiệm, mang lại hiệu quả cho quá trình.

Về giải pháp, Công ty Phân bón Bình Điền đang áp dụng các giải pháp sau: Tiêu chuẩn hóa các thông số, chủng loại vật tư thay thế nhằm tiết giảm chi phí dự phòng và dễ dàng trong quá trình thay thế, bảo dưỡng; Thường xuyên tổ chức đo kiểm tình trạng cách điện của các thiết bị, tránh tình trạng nhiễm điện gây nguy hiểm trong quá trình sản xuất; Tổ chức đánh giá thực trạng, nhận diện các mối nguy, đề ra các giải pháp an toàn trước khi tiến hành công tác sửa chữa máy móc thiết bị; Thống kê tần suất các hư hỏng và vật tư thay thế nhằm tối ưu chi phí vật tư dự phòng, giảm tối đa thời gian dừng máy đột suất để sửa chữa nhằm tiết giảm hao phí, tăng năng suất lao động.

 Ông Võ Anh Tuấn – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Phân bón Bình Điền phát biểu.

Cũng trong Hội thảo này, nhiều chuyên gia đã chia sẽ rất nhiều thông tin hữu ích được đại biểu tham dự đánh giá rất cao như:

Ông Trần Ngọc Tân - Kỹ sư P.CNSX ĐT, Nhà máy Đạm Phú Mỹ chia sẻ về: Công tác revamp (nâng cấp) xưởng Amoniac Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Ông Nguyễn Viết Giang – Trưởng Phòng Công nghệ  Công ty CP Hóa chất và Công nghệ Hà Nội Chia sẻ về: Kinh nghiệm vận hành và bảo dưỡng dây chuyền sản xuất NPK.

Ông Bùi Thanh Hùng - Giám đốc Công ty CP Tiết kiệm điện Bách Khoa (ECC BACHKHOA) chia sẻ về: Nâng cao hiệu quả sản xuất  thông qua tăng cường quản lý năng lượng và quản lý bảo dưỡng.

Ông Trần Văn Minh – Giám đốc Công ty TNHH Chế tạo máy Phú Minh chia sẻ về: Một số tiến bộ trong thiết kế, chế tạo thiết bị phục vụ dây chuyền sản xuất phân bón NPK.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Nhà máy cơ điện, Công ty Cổ phần DAP VINACHEM gửi bài tham luận chia sẻ về: Kinh nghiệm về việc chủ động thực hiện các giải pháp chống ăn mòn tại nhà máy phân bón DAP Đình Vũ – Hải Phòng.

Trong quá trình tham luận, hội thảo được nghe các phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất từ thực tiễn đơn vì mình của Công ty Vedan, Công ty Phân bón Hà Lan, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao và một số đơn vị khác…

 Quang cảnh buổi Hội thảo

Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã lấy ý kiến của các đại biểu tham dự và đã lựa chọn được 03 bài tham luận để trao các giải nhất, nhì ba. Giải nhất thuộc về  tham luận “Công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ” của đại diện PVFCCO; Giải nhì thuộc về tham luận “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành dây chuyền sản xuất NPK Công nghệ hơi nước theo hướng đa nhiệm tại Công ty Tiến Nông” của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, giải ba được trao cho tham luận “Công tác tối ưu hóa vận hành và bảo dưỡng tại nhà máy Đạm Cà Mau” của đại diện PVCFC.

Ban tổ chức trao giải cho ba bài tham luận xuất sắc trong Hội thảo được đại biểu tham dự bình chọn

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón” kết thúc trong không khí vui tươi, phấn khởi của các đại biểu tham dự, các đại biểu đã chia sẻ cho nhau nhiều kinh nghiệm quý báu không chỉ trong hội thảo mà cả ngoài hội thảo và những trao đổi số điện thoại, địa chỉ email,... Các đơn vị thành viên để có thêm những kiến thức, những kinh nghiệm mới, thông tin mới trong công tác kỹ thuật công nghệ, đồng thời Hội thảo cũng đã mang lại thông tin bổ ích, kênh phối hợp hiệu quả giữa các thành viên Hiệp hội Phân bón Việt Nam và những người quan tâm.

Một số Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức chương trình

 

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP