Đó là khẳng định của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại buổi làm việc ngày 15/9/2014 với lãnh đạo và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình (thứ 3 từ phải qua) cùng các lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm kho hàng của doanh nghiệp Tiến Nông
Thống đốc cũng lưu ý sẽ tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động tín dụng, thúc đẩy hệ thống ngân hàng bơm vốn phát triển kinh tế tỉnh.
Khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao
Tại Công ty cổ phần công, nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa), Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Phong kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Thanh Hóa cho hay: Công ty đang triển khai mô hình liên kết với nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu với số lượng lớn tại các huyện: Yên Định, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Vĩnh Lộc,… với tổng diện tích dự kiến 10.000 ha, sản xuất 2 vụ/năm. “Nếu làm được mô hình sản xuất lúa gạo, chúng tôi tính toán sẽ lãi hơn 2 ngàn đồngkg thóc cho nông dân” - ông Phong nói. Đồng thời cho biết thêm sau một thời gian làm thử, nông dân rất phấn khởi vì không phải canh tác làm ruộng trực tiếp nhưng cuối vụ vẫn được doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao sản xuất và trả công thuê cao hơn tự đi trồng lúa.
Theo phân tích của ngân hàng, tổng vốn đầu tư để triển khai dự án là hơn 197 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp hiện có 59.3 tỷ đồng, vốn cần vay thêm là 138.2 tỷ đồng. Nắm bắt ngay vấn đề, Thống đốc Bình khẳng đinh trình bày đề án của DN rất phù hợp với đề án cải cách nông nghiệp cao Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Hướng đi của Tiến Nông rất phù hợp với chủ trương của NHNN.
“Chúng tôi đang tổng kết triển khai nghị định 41 về cho vay nông nghiệp nông thôn. Sau 5 năm thực hiện, nghị định đã phát huy hiệu quả. Trước đây GDP tăng bao nhiêu tỷ trọng cho vay tăng bấy nhiêu; bây giờ GDP tăng bao nhiêu tỷ trọng cho vay vẫn giữ nguyên nhưng tổng tín dụng tăng; như vậy việc vay vốn đang hiệu quả hơn.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, 5 năm qua tín dụng cho nông thôn tăng gấp 2,5 lần, tạo nguồn vốn có giá trị lớn cho nông nghiệp. NHNN đang dự kiến sẽ có từ 20-25 dự án cho vay thí điểm (sản xuất công nghệ cao; sản xuất công nghệ cao theo chuỗi sản phẩm, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi sản phẩm). “Hệ thống ngân hàng đang có chủ trương làm thí điểm kết nối vốn hỗ trợ cho các chương trình này, nên Công ty Tiến Nông có thể được xem xét và đưa vào thực hiện vay thí điểm” - Thống đốc Bình nói.
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tỉnh nên thường xuyên
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến cho hay, năm 2013 và 8 tháng đầu năm 2014, tình hình KTXH giữ ổn định; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 120 dự án (03 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 12.976 tỷ đồng; gấp 3 lần số dự án và 1,6 lần số vốn đăng ký so với cùng kỳ; thành lập mới 640 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 2.619 tỷ đồng; 7 ngân hàng và chi nhánh thương mại ký cam kết cho vay các dự án; tổng dư nợ hơn 700 tỷ đồng giải ngân cho 13/13 doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất tới 7 kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh và tháo gỡ khó khăn cho DN. Trên cơ sở lắng nghe kiến nghị của DN tỉnh, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tích cực hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nội dung hỗ trợ vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động cho vay hỗ trợ các dự án trọng điểm và lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: cho vay lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, bằng các hành động cụ thể, thiết thực.
Cũng tại buổi làm việc, gần 10 ý kiến của các doanh nghiệp được tập hợp gửi lên, xem xét, lắng nghe tại chỗ, Thống đốc Bình lập tức đề nghị giao giám đốc NHNN trên địa bàn cùng các NHTM phải ngồi lại, tháo gỡ mọi vấn đề.
“Phải tổ chức kết nối tốt với các HTX DN; phải tổ chức họp lấy ý kiến thuờng xuyên. Vấn đề lớn nhất của DN đề xuất vẫn là cho vay tín chấp. Đây cũng là điều chúng tôi đang hết sức cố gắng
Theo Thống đốc, ngoài những DN chăm chỉ hạt bột nhưng có những DN còn vẽ ra đề án; tuy nhiên ngay cả đề án rất tốt doanh nghiệp cũng không lường hết được rủi ro; “Chính điều đó khiến bản thân các ngân hàng phải chặt chẽ. Ngân hàng phải chia sẻ nhưng cũng phải đúng nguyên tắc”- Thống đốc Bình nói .
Đáp từ, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa ông Mai Văn Ninh đánh giá rất cao sự giúp đỡ của hệ thống ngân hàng trong phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung suốt thời gian qua. Đồng thời, ông Ninh cũng đề nghị NHNN tạo mọi điều kiện giúp đỡ về nguồn vốn đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng, BOT, và tăng nguồn vốn cho NHCS phục vụ người nghèo…
Liên quan đến những mong muốn của doanh nghiệp trẻ như được khuyến khích vay vốn làm giàu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói chỉ mong rằng doanh nghiệp trẻ làm đúng khẩu hiệu phải đổi mới, phải tiên phong. “Ý chí, tinh thần yêu nước tuyệt vời đáng hoan nghênh; nhưng trẻ cũng cần phải có trí tuệ, học hành bài bản, kinh doanh bài bản, ngân hàng hết sức ủng hộ. Chúng tôi không thiếu tiền và chỉ mong có được những DN tốt”