Ngày 05 tháng 06 năm 2015, Trung tâm Máy và dịch vụ nông nghiệp Tiến Nông kết hợp cùng với Công ty TNHH Kubota Việt Nam triển khai mô hình trình diễn “Cánh đồng sản xuất mía áp dụng cơ giới hóa đồng bộ theo tiêu chuẩn Tiến Nông” với diện tích 3ha tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Mô hình được áp dụng 100% cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng mía, bón phân đến thu hoạch, toàn bộ mô hình được sử dụng đồng bộ dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông chuyên dùng cho cây mía (Điều hòa pH đất, Mía 1, Mía 2) với mục tiêu tăng 20% sản lượng và giảm 20% chi phí sản xuất.
Đến tham dự buổi trình diễn có đại diện lãnh đạo Công ty CP CNN Tiến Nông, Công ty TNHH Kubota Việt Nam, Nhà máy đường Việt Đài, Nhà máy đường Nông Cống, Nhà máy đường Lam Sơn, đại diện lãnh đạo các xã trong huyện Thạch Thành cùng các hộ trồng mía xã Thạch Bình.
Tại đây các đại biểu được theo dõi thực tế các loại máy nông ngiệp thương hiệu Kubota hoạt động hiệu quả trên cánh đồng Sắc Cả, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành. Máy kéo Kubota M9540 đa năng với công suất 95hp được kết nối các nông cụ dàn cày 4 chảo, 7 chảo, dàn bừa, dàn phay làm đất đúng kỹ thuật, bên cạnh đó máy còn lắp được bộ thiết bị vừa tiến hành rạch hàng, trồng mía hàng kép, bón phân và hệ thống lấp đất tơi xốp đảm bảo cho cây mía sinh trưởng và phát triển tốt.
Kỹ thuật viên hướng dẫn nông dân lái thử máy Kubota M9540
Trồng mía là khâu nặng nhọc, chiếm nhiều nhân công nhất trong quy trình canh tác mía và quyết định rất nhiều đến năng suất, thêm vào đó giá ngày công lao động vào thời vụ cao gấp 1,5 – 2 lần so với ngày thường làm tăng chi phí. Qui trình trồng mía hiện nay của địa phương là trồng hàng đơn, khoảng cách hàng 90-100 cm, khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa. Với giải pháp tích hợp dàn trồng mía, bón phân, máy kéo Kubota M9540 hoạt động rất nhẹ nhàng, vừa rạch hàng, bón phân, trồng mía, lấp đất, qui trình trồng mía hàng kép, hàng đơn cách hàng đơn 25-30 cm, hàng kép cách hàng kép 120 cm, phương thức trồng tiến bộ này đang được các nước trên thế giới áp dụng, nâng cao mật độ mía trên cùng một đơn vị diện tích, cây mía sử dụng ánh sáng tốt, sinh trưởng phát triển nhanh, và có thể áp dụng cơ giới hóa một cách dễ dàng trong các khâu chăm sóc tiếp theo.
Máy kéo Kubota M9540 tích hợp giàn trồng mía
Máy Kubota B2420 thực hiện các khâu chăm sóc, xới đất, bón phân, vun luống một cách dễ dàng.
Qua buổi trình diễn, đại diện lãnh đạo các nhà máy đường trong tỉnh Thanh Hóa tin tưởng rằng việc Tiến Nông triển khai đưa các máy móc cơ giới hóa vào trong sản xuất mía là một hướng đi hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, tăng giá trị thu nhập trong sản xuất cho bà con nông dân.
Ông Lê Văn Dũng - Cán bộ phụ trách nông trường xã Thạch Bình chia sẻ: “Trong những năm gần đây nông trường tập trung phát triển mạnh cây mía, năm 2014 toàn xã Thạch Bình có 200 ha mía, chiếm 50% tổng diện tích gieo trồng. Việc đưa máy làm đất đa năng vào khâu làm đất, khâu gieo trồng mang lại ý nghĩa rất quan trọng. Khi Công ty Tiến Nông triển khai mô hình này, tôi nghĩ nó rất phù hợp với việc cần thiết thay đổi phương thức sản xuất của người dân, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu công, giúp người nông dân giải phóng được sức lao động, giảm bớt chi phí đầu tư; tạo điều kiện để người nông dân được tiếp cận với phương pháp sản xuất hiện đại, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong thời gian tới, nông trường chắc chắn sẽ đầu tư đồng bộ các sản phẩm máy móc KUBOTA trên nhằm phục vụ cho đông đảo bà con nông dân.
Dàn nông cụ kết hợp trồng mía, bón phân
Mía đường Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về nâng cao trữ đường, giảm giá thành sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta phải mở cửa thị trường thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do trong thời gian sắp tới. Để từng bước giải quyết các khó khăn này, tại các Hội nghị cấp quốc gia ngành mía đường Bộ NN & PTNT đã xác định việc đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất mía; áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại; dồn điền giúp người dân nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế phải là giải pháp chủ yếu, cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp lớn trong ngành đường nói riêng và nông nghiệp nói chung.