Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 nhận định chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0) với quy mô, tốc độ và phạm vi rộng lớn hơn nhiều các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Mặc dù mới ở giai đoạn đầu, nhưng viễn cảnh về khả năng thay đổi xã hội và kinh tế toàn cầu đang trở nên ngày càng rõ ràng; xu hướng liên kết, tích hợp trong nhiều lĩnh vực khiến cho ranh giới giữa các ngành công nghệ trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Trong làn sóng mạnh mẽ đó, xuất hiện ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp phi truyền thống đã thành công vượt bậc mà không cần nhiều nguồn lực về nhà xưởng, vốn và lao động, họ chỉ cần một thế mạnh: công nghệ. Bối cảnh đó tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh và gây áp lực mạnh mẽ lên các doanh nghiệp truyền thống, khiến họ nhận thức rõ ràng rằng: thay đổi hoặc là thất bại.
Góc nhìn vĩ mô nói trên đang diễn ra và dễ dàng nhìn thấy ngay trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Với nền tảng được xây dựng từ truyền thống hơn 22 năm qua, Tiến Nông đã và đang làm gì để không chỉ ứng phó với cơn bão cách mạng công nghệ, mà còn tận dụng được những lợi thế to lớn để phát triển mạnh mẽ hơn? Bài viết này bàn đến vấn đề đổi mới công nghệ như là câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nông nghiệp trong bối cảnh mới đòi hỏi Tiến Nông thay đổi
Mặc dù diễn ra còn chậm, nhưng sự tham gia ngày càng nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang thúc đẩy xu hướng sản xuất lớn, hiện đại. Trong phương thức sản xuất đó, việc ứng dụng công nghệ vào các khâu của quá trình sản xuất từ làm đất, trồng trọt, tưới tiêu, bón phân và thu hoạch phổ biến hơn bao giờ hết. Là một doanh nghiệp sản xuất dinh dưỡng cây trồng, định hướng phát triển của Tiến Nông phải gắn với các sản phẩm đặc thù theo từng đối tượng cây trồng, từng vùng sinh thái và phù hợp với phương thức canh tác hiện đại đòi hỏi việc cung cấp dinh dưỡng theo hướng chính xác và tích hợp vào các khâu trong quá trình canh tác.
Nông nghiệp hiện đại còn phải cam kết đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Và ngành sản xuất phân bón đứng trước áp lực thay đổi để nâng cao hiệu suất sử dụng, giảm lãng phí. Điều này không dễ dàng, và nó đòi hỏi phải định nghĩa lại về phân bón. Phân bón không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng, mà còn phải cân đối. Mỗi cây trồng cần một nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, và khác nhau ngay cả giữa các giai đoạn sinh trưởng của từng cây. Không những thế, đất canh tác với tính chất không giống nhau giữa các vùng sinh thái cũng là một yếu tố khiến cho khả năng đáp ứng cân đối dinh dưỡng cho cây là một việc làm khó. Nhưng đó chính là một phần trong khái niệm nông nghiệp chính xác, đòi hỏi không chỉ nền tảng tri thức mà còn cả sự sáng tạo. Đi con đường này giúp Tiến Nông hiện thực hoá tầm nhìn trở thành đơn vị sáng tạo dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam.
Phân bón trong một nền nông nghiệp hiện đại không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng, mà còn phải cung cấp ở dạng tốt nhất, phù hợp với phương thức canh tác mới. Mỗi hecta cam tại vùng đặc sản Cao Phong (tỉnh Hoà Bình) có thể cần đến hàng trăm triệu đồng đầu tư phân bón trong phương thức canh tác truyền thống, nhưng với việc sử dụng các sản phẩm áp dụng công nghệ mới, kết hợp với phương thức tưới tiết kiệm, có thể giảm từ 25% đến 60% chi phí phân bón mà vẫn cho hiệu quả tương đương. Khách hàng sẽ nhanh chóng nhận ra điều này, và các doanh nghiệp sản xuất cần phải thay đổi. Đó chính là lý do lần đầu tiên Tiến Nông xuất hiện một dòng sản phẩm phi truyền thống hoàn toàn mới là Fertigation (Phân bón hoà tan dùng cho hệ thống tích hợp tưới nước tiết kiệm).
Để cùng lúc đáp ứng những yêu cầu mới đó, công nghệ xung quanh việc phát triển một sản phẩm dinh dưỡng cây trồng tại Tiến Nông phải có sự hiện diện của hoá học, sinh học, vật lý và môi trường. Nếu trước đây những thuật ngữ nano, polymer, aminoacid, polysacarite… thật lạ lùng trong ngành phân bón, thì nay đã trở nên phổ biến. Điều đó thể hiện xu hướng tích hợp khá rõ ràng trong việc phát triển một sản phẩm phân bón hiện đại.
Bên cạnh đó, trong một nền nông nghiệp hiện đại khách hàng có xu hướng yêu cầu chuyên biệt chứ không chấp nhận những sản phẩm đại trà. Để đáp ứng yêu cầu đó, công ty phải tận dụng được sức mạnh của số hoá và công nghệ thông tin để giao tiếp với khách hàng thường xuyên nhằm thu thập dữ liệu phục vụ cho định hướng sản xuất và điều chỉnh sản phẩm.
Đổi mới công nghệ sản xuất và thiết bị - điều kiện cần
Khi yêu cầu đặt ra cho mỗi sản phẩm ngày càng cao vượt quá giới hạn đáp ứng của công nghệ cũ, thì đổi mới công nghệ trở thành một nhu cầu bức thiết. Hơn 22 năm phát triển, Tiến Nông đã nhiều lần thực hiện việc nâng cấp và thay thế công nghệ để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, ngày nay tốc độ phát triển của công nghệ là nhanh hơn và mạnh mẽ hơn nhiều so với những giai đoạn trước đây, điều đó cũng đồng nghĩa với việc công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu hơn.
Để một sản phẩm mang hàm lượng khoa học cao hơn trong xu hướng tích hợp công nghệ nêu trên thì cần một nền tảng phù hợp về công nghệ sản xuất và thiết bị. Chỉ riêng yêu cầu sản xuất ra một sản phẩm với tỷ lệ chính xác của 17 yếu tố dinh dưỡng cũng đã đòi hỏi một hệ thống thiết bị hiện đại chứ không thể sử dụng các thiết bị thô sơ, chưa nói đến yêu cầu về khả năng kiểm soát độ phân giải, hạn chế bay hơi và rửa trôi dinh dưỡng…Tại Tiến Nông, các công nghệ sản xuất phân bón như hơi nước, urea hoá lỏng, chelate,...hiện đang được ứng dụng trong sản xuất đem lại hiệu quả cao; cùng với đó các công nghệ mới như tháp cao, nano, CRF, SRF, SCT…đang tiếp tục được nghiên cứu ứng dụng vào thực tế sản xuất để không ngừng hoàn thiện sản phẩm đáp ứng các yêu cầu mới của canh tác nông nghiệp hiện đại.
Đổi mới công nghệ quản trị - điều kiện đủ
Công nghệ giúp quản trị tốt thực sự liên quan chặt chẽ đến việc tạo ra một sản phẩm chất lượng tốt và được xem là điều kiện đủ trong quá trình này. Nếu xem hệ thống thiết bị công nghệ là “phần cứng” thì công nghệ quản trị chính là “phần mềm” giúp đảm bảo quá trình vận hành công nghệ thiết bị. Công nghệ trong quản trị sản xuất được hiểu là hệ thống quản lý quy trình sản xuất, quản lý nguồn lực giúp vận hành công nghệ tối ưu, đạt được các mục tiêu về năng suất, chất lượng và chi phí. Ngày nay, nhiều công cụ quản trị hiện đại như ERP, PMS, 5S, Kaizen, ISO…được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin có khả năng xử lý thay cho con người một khối lượng rất lớn các thông số sản xuất đang được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Nếu trước đây, việc các doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng, thậm chí nhiều chục tỷ cho một phần mềm quản trị sản xuất là việc làm không tưởng thì ngày nay đã trở nên phổ biến đến mức gần như không thể thiếu.
Những bài học kinh nghiệm
Do tính phổ biến của công nghệ thông tin hiện nay trên toàn cầu khiến cho cuộc đua về đổi mới công nghệ trở nên công bằng hơn. Một doanh nghiệp đang thành công hôm nay hoàn toàn có thể thất bại ngày mai nếu thua trong cuộc đua công nghệ với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó là lý do những doanh nghiệp hàng đầu thế giới không ngừng đầu tư cho R&D, và cũng là con đường có lẽ không thể không theo đối với tất cả các doanh nghiệp khác.
Qúa trình đổi mới công nghệ thông thường xuất phát từ sự sáng tạo của một cá nhân hoặc nhóm làm việc trong doanh nghiệp khi nhận thấy sự không phù hợp của công nghệ cũ so với các yêu cầu mới của thị trường. Do đó, việc nuôi dưỡng nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao trong doanh nghiệp để đảm bảo năng lực đổi mới công nghệ là rất quan trọng. Mặt khác, nguồn nhân lực tốt là điều kiện quan trọng giúp doanh nghiệp triển khai và làm chủ công nghệ mới nhanh chóng hơn.
Trong lĩnh vực sản xuất phân bón, thế giới có rất nhiều công nghệ mới, tiên tiến có thể áp dụng tại Việt Nam. Để lựa chọn được công nghệ phù hợp nhất với mình, mỗi doanh nghiệp trước hết cần xác định được tầm nhìn và chiến lược phát triển cũng như khả năng về nguồn lực. Xác định mục đích của đổi mới công nghệ là để tối ưu hoá chi phí sản xuất và/hoặc tạo ra sản phẩm mới để có sự lựa chọn. Đó là bước chuẩn bị quan trọng giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ thành công.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần thông tin để phục vụ quá trình định hướng và hành động. Thông tin ngày nay xuất phát từ rất nhiều nguồn: internet, chợ công nghệ thiết bị, hội thảo…với khối lượng khổng lồ. Doanh nghiệp không chỉ cần tiếp cận nhiều nguồn thông tin mà còn cần nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin để chọn lọc thông tin thiết yếu. Thông tin đúng định hướng quá trình ra quyết định và đổi mới công nghệ đúng đắn.