Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt báo - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, đến cuối tháng 2, độ mặn trên các sông vẫn ở mức cao và thâm nhập sâu vào nội địa.
Đến ngày 25 và 26/2, trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1g/l đã vượt qua cầu An Hạ (huyện Đức Hòa), cách sông Soài Rạp khoảng 88 km (thời điểm này năm 2015, độ mặn 1g/l trên sông Vàm Cỏ Đông vượt qua cầu Xáng Nhỏ, huyện Bến Lức, cách sông Soài Rạp khoảng 77 km); độ mặn 4g/l gần đến cầu Rạch Vong, huyện Bến Lức, cách sông Soài Rạp khoảng 72 km (năm 2015 đến cống Đôi Ma, huyện Cần Đước, cách sông Soài Rạp khoảng 47 km).
Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặt 1g/l đã thâm nhập đến cống Bắc Đông (huyện Thủ Thừa), cách sông Soài Rạp khoảng 86 km (cùng kỳ năm 2015, độ mặn 1g/l vượt gần đến cống Bình Tâm, TP Tân An, cách sông Soài Rạp khoảng 66 km); độ mặn 4g/l vào đến cống Bình Tâm, TP Tân An, cách sông Soài Rạp khoảng 66 km (năm 2015 vượt qua cống Sông Cui, huyện Châu Thành, cách sông Soài Rạp khoảng 42 km).
Tính ra, so với cùng kỳ 2015, độ mặn 1g/l đã xâm nhập vào sâu hơn từ 11-20 km, độ mặn 4g/l thâm nhập vào sâu hơn tới khoảng 24-25 km.
Theo Sở NN-PTNT Long An, kết quả kiểm tra độ mặn của Chi cục Thủy lợi và PCLB vào ngày 25/1 cho thấy độ mặn 4g/l đã xuất hiện vượt qua cầu Rạch Vong (sông Vàm Cỏ Đông) và cống Rạch Chanh (sông Vàm Cỏ Tây), lần lượt cách sông Soài Rạp 72 và 78 km, và kéo dài đến thời điểm này.
Do đó, các huyện phía nam tỉnh Long An đang trong tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ rủi ro thiên tai là cấp độ 2. Nguồn nước ngọt trong các kênh rạch nội đồng ở các huyện phía nam bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, độ mặn sẽ còn tăng cao và kéo dài đến tháng 5, tháng 6. Trước tình hình đó, trên cơ sở văn bản đề nghị của Sở NN-PTNT Long An, trong tuần qua, UBND tỉnh Long An đã công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn các huyện phía Nam, bao gồm các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức và TP Tân An, với cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 2 (là cấp độ cao nhất ở dạng thiên tai này).
UBND tỉnh Long An cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra và khảo sát tình hình xâm nhập mặn. Kết quả cho thấy đã có 3.272 ha lúa ĐX ở Cần Đước và Cần Giuộc bị thiệt hại do xâm nhập mặn, giá trị thiệt hại là 16,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện đang có khoảng hơn 10 ngàn ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa và Tân Trụ đứng trước nguy cơ thiếu nước. Cụ thể, tại huyện Thủ Thừa, nắng hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn xuất hiện sớm, xâm nhập mặn sâu trên diện rộng, kéo dài đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa, chanh, thanh long ...
Diện tích lúa có nguy cơ thiệt hại do ảnh hưởng thiếu nước và xâm nhập mặn ở Thủ Thừa hiện vào khoảng 4.326 ha; diện tích cây chanh ảnh hưởng do thiếu nước và xâm nhập mặn 408 ha và cây thanh long là 53,9 ha.
Tại huyện Tân Trụ, đang có 5.092 ha lúa ĐX chính vụ từ 30 đến 45 ngày tuổi có khả năng bị thiếu nước. Bên cạnh đó, một số khu vực như một phần các xã Tân Phước Tây, Bình Trinh Đông, Đức Tân, Bình Lãng, Nhựt Ninh và thị trấn Tân Trụ, do xa kênh rạch và sâu trong nội đồng, nên nước không đến được, với tổng diện tích bị ảnh hưởng là khoảng 565ha và diện tích bị thiệt hại ở mức độ mất trắng do người dân bỏ không sản xuất là gần 60 ha.
Dự báo trong thời gian tới, ở Tân Trụ, diện tích lúa bị nhiễm bệnh, mất trắng sẽ tăng nhanh nếu như nguồn nước tiếp tục bị thiếu hụt.