Ngày 23 tháng 10 năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo tái canh cà phê mở rộng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị
Theo Cục trồng trọt, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, tuy nhiên ngành cà phê còn một số tồn tại như: tăng trưởng cao nhưng thiếu ổn định và bền vững, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước biến động của điều kiện khí hậu, thời tiết bất thuận và thị trường tiêu thụ không ổn định; chất lượng (vườn cà phê, sản phẩm cà phê) còn thấp; chi phí sản xuất cao, sức cạnh tranh của ngành cà phê chưa cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển ngành cà phê còn chưa thực sự bền vững, trong đó có việc diện tích cà phê già cỗi có chiều hướng tăng. Trong tổng số 635 nghìn ha cà phê của cả nước, có tới 226 nghìn ha cà phê trên 15 năm tuổi (chiếm khoảng 40%). Tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5-10 năm tới khoảng 140 - 160 nghìn ha.
Tái canh cà phê là vấn đề lớn có khó khăn về kỹ thuật, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro cao. Tuy nhiên đây là một chương trình trọng điểm trong chiến lược phát triển bền vững ngành cà phê, vì vậy Bộ NN&PTNT cũng như các tỉnh có diện tích cà phê lớn đã rất quan tâm. Ngay trước Hội nghị, ngày 21 tháng 10 năm 2014 Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 4521/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020. UBND các tỉnh liên quan cũng đã có những giải pháp tích cực đẩy mạnh thực hiện chương trình tái canh cà phê già cỗi. Mục tiêu chung là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; góp phần phát triển bền vững ngành cà phê giai đoạn 2014 – 2020.
Các đại biểu thăm mô hình tái canh cà phê tại Lâm Đồng
Theo các địa phương, quy trình kỹ thuật trồng cà phê tái canh và ghép cải tạo cà phê phù hợp với từng vùng sinh thái là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng cần tiếp tục hoàn thiện để có thể thực hiện tái canh thành công. Quy trình kỹ thuật cần nghiên cứu và thực hiện đồng bộ từ giống, phân bón và quản lý dịch hại tổng hợp. Cơ cấu giống dùng cho tái canh đã tương đối cụ thể, đặc biệt là những giống do Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chọn tạo; nhiều dịch hại đã được nghiên cứu và từng bước khắc phục. Trong khi đó, mặc dù thực tế chiếm đến 25% tổng đầu tư hàng năm cho cây cà phê, nhưng phân bón và quy trình bón phân vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học đã chỉ ra vai trò của yếu tố môi trường đất, trong đó đặc biệt là pH đất đối với sự phát sinh dịch hại và hiệu suất sử dụng phân bón của cây cà phê. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó GĐ Viện KHNN Việt Nam thì pH đất tại Tây Nguyên phổ biến ở ngưỡng 4.5. Môi trường đất chua như vậy sẽ rất dễ phát sinh tuyến trùng gây bệnh, và hiệu suất sử dụng phân bón cho cây cà phê cũng rất thấp, giảm hiệu quả đầu tư của nông dân. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Phong -TGĐ Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông cho rằng cần phải có những nghiên cứu khảo sát nhằm đưa ra giải pháp cải tạo pH đất và công thức dinh dưỡng cũng như quy trình sử dụng phù hợp với từng vùng, giúp cây cà phê phát triển khỏe mạnh, nâng cao hiệu quả tái canh.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị
Kết luận Hội nghị, ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhanh chóng có quy trình và giải pháp kỹ thuật cụ thể hướng dẫn tái canh hiệu quả. Khẳng định lại tầm quan trọng của tái canh, Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện đề án tái canh đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. “Tái canh là cần thiết và cũng là cơ hội “vàng” đề thay thế bộ giống đã thoái hóa bằng những giống mới hiệu quả hơn, cùng với những giải pháp kỹ thuật đi kèm. Nếu không làm quyết liệt, chúng ta sẽ mắc nợ nông dân thêm một chu kỳ 20 năm nữa”, Thứ trưởng trăn trở.