Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh các sản phẩm KH&CN phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Doanh nghiệp KH&CN Tiến Nông

10/12/2014 10:13:04 PM

Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông thành lập vào ngày 4 tháng 1 năm 1995, khi đó là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong cả nước sản xuất thành công phân lân nung chảy bằng quy trình nhiệt lò cao. Kết quả đó đến nay vẫn luôn được xem là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của một công ty khởi nghiệp từ một kết quả nghiên cứu khoa học. Vượt qua buổi đầu nhiều khó khăn thách thức, doanh nghiệp đã vững bước đi lên sáng tạo ra những sản phẩm mới trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến và được đổi mới liên tục.

Nhờ những nỗ lực không ngừng đó, Tiến Nông đã vinh dự được ghi nhận là doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ theo Giấy chứng nhận số 228/DNKHCN và Quyết định số 91/QĐ-SKHCN ngày 8/4/2014 của Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa. Mới đây, ngày 24 tháng 4 năm 2014, Doanh nghiệp tiếp tục được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam 2013 nhờ những đóng góp thiết thực từ đề tài “Sản xuất phân bón NPK có chứa silic dễ tiêu dùng cho cây Lúa tại Thanh Hóa”.

Từ năm 2008, trong quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm, Tiến Nông nhận thấy silic (Si) là yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với cây trồng, tuy nhiên ở thời điểm này tại Việt Nam hầu như chưa có một nghiên cứu ứng dụng nào để đưa silic thành một yếu tố dinh dưỡng bổ sung thường xuyên cho cây, đặc biệt những loại cây có nhu cầu cao và cũng là những cây trồng trọng điểm của Thanh Hóa như lúa, mía, cói, ngô…Chính vì vậy, Công ty đã đề xuất được thực hiện đề tài cấp tỉnh nhằm đưa silic dễ tiêu vào trong phân bón NPK để cung cấp thường xuyên như một yếu tố dinh dưỡng cho cây Lúa tại Thanh Hóa. Đề tài được thực hiện trong 5 năm, đến năm 2013 được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Vai trò của yếu tố silic được thể hiện ở khả năng tăng sức đề kháng của cây trồng đối với sâu bệnh hại và điều kiện bất thuận. Khi vào tế bào cây, silic tham gia vào cấu trúc của thành tế bào (cell wall) và một số hoạt động chức năng khác. Nhu cầu của silic đối với cây ở mức cao, nhưng khả năng cung cấp của đất thường thấp. Mặc dù Silica là thành phần phổ biến thứ hai trên bề mặt trái đất, tuy nhiên nó ở dạng vô hiệu đối với cây, chỉ một lượng rất nhỏ tồn tại ở dạng silicon hay axit silicic cây mới có khả năng hấp thụ (gọi là silic dễ tiêu, hay silic hữu hiệu). Khai thác nguồn silic dễ tiêu để đưa vào trong phân bón là một vấn đề lớn đặt ra tại thời điểm khi triển khai đề tài nghiên cứu này.

Trong tự nhiên, hiện tượng phun trào núi lửa là một cơ chế tạo ra silic dễ tiêu, vì các vật liệu có silic khó tiêu được nung đến điều kiện nhiệt độ nóng chảy và sẽ được chuyển hóa thành dễ tiêu. Do đó tro núi lửa, đá nham thạch là một trong những nguồn silic dễ tiêu tự nhiên tốt nhất, với hàm lượng có thể lên trên 60%. Cũng theo cơ chế này, trong lịch sử nghiên cứu silicon, các nhà nông học Nhật Bản đã từng sử dụng xỉ than của nhà máy nhiệt điện như là một nguồn phân bón silic dễ tiêu cho cây và đem lại hiệu quả khá cao đã được ghi nhận.

Từ những nghiên cứu cụ thể về nguồn khai thác silic dễ tiêu đó, trong quá trình thực hiện đề tài, Tiến Nông đã hợp tác với một số công ty tại Thái Lan để khai thác nguồn vật liệu có chứa silic dễ tiêu tự nhiên từ tro và đá nham thạch để đưa về Việt Nam sản xuất phân bón NPK-Si. Sau khi có nguồn silic dễ tiêu ban đầu, một hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại cũng đã được đầu tư để có thể đưa được silic dễ tiêu vào phân bón NPK theo đúng tỷ lệ dùng cho lúa ở từng thời điểm bón (bón lót, bón thúc). Từ đó đến nay, hàng vạn tấn sản phẩm phân bón NPK-Si chuyên dùng cho lúa đã được sản xuất và đưa đến tay người nông dân, góp phần tăng năng suất lúa lên từ 8 – 15%. Không những thế, các sản phẩm được nghiên cứu phù hợp với cây lúa trên từng vùng đất ở Thanh Hóa, phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cây, nên đã tiết kiệm cho nông dân từ 6 – 25% lượng phân bón. Một kết quả “kép” hết sức có ý nghĩa đối với nhà nông.

Bộ sản phẩm Dinh dưỡng Tiến Nông chuyên dùng cho cây Lúa

Từ kết quả nghiên cứu ban đầu dành cho cây Lúa, Công ty đã mở rộng các đối tượng cây trồng khác gồm Mía, Cà phê, Cao su, Cói,…và sản xuất thành công những sản phẩm NPK-Si chuyên dùng cho từng đối tượng cây trồng. Có thể coi đây là dẫn xuất từ đề tài nghiên cứu nói trên. Tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm NPK có chứa Si dễ tiêu trong những năm qua đã vượt con số 100 ngàn tấn.

Nghiên cứu phát triển sản phẩm tại Công ty CP CNN Tiến Nông

Ban lãnh đạo Công ty xác định khoa học và công nghệ chính là nền tảng phát triển của Tiến Nông trong suốt 20 năm qua, và tiếp tục khẳng định khoa học công nghệ là chiến lược xuyên suốt trong quá trình sản xuất kinh doanh của công ty. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh các sản phẩm khoa học & công nghệ được xác định là nhiệm vụ quan trọng số một tại doanh nghiệp, với mục tiêu dài hạn là 100% các sản phẩm của công ty là sản phẩm khoa học & công nghệ.

Đối với dinh dưỡng silic của cây trồng, không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra nhằm hoàn thiện liên tục sản phẩm. Những vấn đề đó gồm:

- Nhu cầu định lượng được của từng đối tượng cây trồng, ở từng thời kỳ sinh trưởng phát triển đối với silic.

- Nhu cầu đó trong mối quan hệ với các yếu tố dinh dưỡng khác để đạt được trạng thái cân bằng cho cây.

- Khả năng cung cấp silic của đất đối với cây (phụ thuộc vào đặc điểm từng loại đất và trong một hệ thống canh tác cụ thể).

- Chủ động nguồn silic dễ tiêu để mở rộng sản xuất và hạ giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, sự tiến bộ của khoa học công nghệ từ sinh học, hóa học, vật lý học…đã và đang mở ra nhiều hướng khác nhau có thể tiếp cận để nghiên cứu các sản phẩm dinh dưỡng cây trồng, sẽ hình thành nhiều công nghệ tiềm năng có thể ứng dụng cho lĩnh vực này như công nghệ nano, công nghệ vi sinh, công nghệ màng bọc thông minh…Không những thế, sự phát triển của sản xuất nông nghiệp trong nước hiện nay với xu hướng gia tăng các mô hình trồng trọt công nghệ cao như canh tác trong nhà kính, thủy canh, tưới nhỏ giọt…đang đòi hỏi các nhà sản xuất phải có các sản phẩm dinh dưỡng cây trồng phù hợp với phương thức sản xuất mới.

Những vấn đề nói trên là lớn và phức tạp, đòi hỏi Công ty tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị và đặc biệt là nhân lực khoa học công nghệ để có thể từng bước giải quyết, cải tiến sản phẩm liên tục và phát triển những sản phẩm mới ngày càng hiệu quả hơn, xứng đáng là Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Th.s. Nguyễn Hồng Phong

Tổng giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP