Mới 16 tuổi, em Nguyễn Huy Hoàng (SN 2002, ở xã Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hoá) đã là trụ cột gia đình, cũng bởi từ bé em đã không có cha, mẹ lại là người khuyết tật, năm nay cũng đã ngoài 50 tuổi. Với Hoàng, điểm tựa tình thương đã và sẽ giúp em đã tự tin yên tâm học tập, thôi suy nghĩ phải bỏ học để phụ giúp nuôi người mẹ tật nguyền…
Không chỉ thế, mẹ em lại phải chăm nuôi thêm người chị gái ruột năm nay 60 tuổi cũng bị mù. Một cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn như Hoàng, từ bé đã gánh trên vai trách nhiệm là mắt, là tay, chân của mẹ, của bác gái trong gia đình.
Hoàng kể, đã có lúc em muốn bỏ học để đi làm thêm giúp mẹ bởi nhà nghèo quá. Số tiền trợ cấp khuyết tật của Nhà nước cho mẹ không đủ cho những chi tiêu trong cuộc sống. Ở trường, Hoàng được hỗ trợ học phí, nhưng còn rất nhiều khoản phải nộp khác. Càng lớn, các khoản tiền phải nộp càng nhiều…
Cuối năm học lớp 9, Hoàng may mắn được Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông (ở Thanh Hoá) nhận đỡ đầu. “500.000đ/tháng mà công ty hỗ trợ thực sự là rất lớn với gia đình em. Không chỉ là vật chất, điều ý nghĩa nhất là em có thêm động lực tinh thần, yên tâm đi học. Trước đây, em đã nghĩ cố học được đến lúc nào hay lúc đó, nhưng nay, em đã tự tin học tập để vào Đại học. Năm học lớp 10 vừa rồi, em đã được học sinh giỏi” – Hoàng kể.
Một trong những trường hợp trẻ mồ côi ở Thanh Hoá đầu tiên được Công ty Tiến Nông trợ cấp là em Ngô Hùng Hà (SN 1990, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hoá). Hà mồ côi mẹ khi chỉ mới 1 tháng tuổi. 10 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, Hà sống nhờ vào bác gái nghèo khó. May mắn, từ khi đi học, Hà được công ty Tiến Nông hỗ trợ mỗi tháng 500.000đ để trang trải cuộc sống.
Hà nói em không chỉ được trợ cấp về vật chất mà lãnh đạo Công ty Tiến Nông còn coi em như con cháu trong nhà. Hà vốn mắc bệnh tim bẩm sinh. Năm 2009, anh Nguyễn Hồng Phong – Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông – đã vận động, quyên góp, hỗ trợ cho Hà 50 triệu chi phí mổ tim, dù khi đó Hà đã qua 18 tuổi, hết tuổi được nhận trợ cấp hàng tháng.
Hà kể: “Chú Phong là người chứng kiến sự lớn lên của em, chú cũng đã định hướng nghề nghiệp phù hợp với điều kiện sức khoẻ cho em. Em đi học cắt tóc, giờ hai vợ chồng đã sở hữu tiệm cắt tóc với 8 nhân công. Em là trẻ mồ côi, ngày cưới, chú Phong đã đại diện “nhà trai” phát biểu với “quan viên hai họ”.
Tại buổi lễ trao học bổng cho 50 trẻ mồ côi trên điạ bàn tỉnh Thanh Hoá do Công ty Tiến Nông phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Thanh Hoá vào đúng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, mỗi ông Lê Hồng Lương – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hoá cho biết, Thanh Hoá có 21.000 trẻ mồ côi trong đó có hơn 3.100 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Ông Lương cho biết, từ năm 1998 đến nay, Công ty Tiến Nông đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho hơn 100 cháu mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Trong đó không ít cháu là người dân tộc (Mường, Thái, Thổ…). Đại đa số các cháu phấn đấu không những đi học bình thường, mà còn vươn lên học giỏi, vào đại học, có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống bình thường như nhiều người khác.
Không những giúp trẻ mồ côi, Tiến Nông còn giúp đỡ các hoàn cảnh nghèo, người khuyết tật nghèo, giúp người nghèo vươn lên hoà nhập cộng đồng với số tiền mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng.
Chia sẻ về ý nguyện nhân văn này của doanh nghiệp Tiến Nông, anh Nguyễn Hồng Phong chia sẻ: “Bố chúng tôi (ông Nguyễn Xuân Cộng, SN 1939, Chủ tịch HĐQT Công ty Tiến Nông) cũng là trẻ mồ côi. 8 tháng tuổi ông đã mất mẹ, 13 tuổi bố cũng qua đời. Ông lớn lên bằng tình yêu thương, bàn tay chăm sóc của của họ hàng, cô bác ở Hưng Yên. Cuộc đời ông đã trải qua đủ cay đắng, ngọt bùi. 20 năm thực hiện các hoạt động công tác xã hội, ông chỉ có hy vọng cuộc đời mình là nguồn cảm hứng cho các em, các cháu vươn lên trong cuộc sống này”.
“Đại gia đình chúng tôi quan điểm rất nhẹ nhàng về hạnh phúc. Đơn giản là có việc để làm, có nhà để ở và có tâm hồn yêu thương. Nhưng “có hạnh phúc, có hưởng thu, phải sẻ chia” – anh Phong nói. Do đó, việc nhận đỡ đầu, trợ cấp, hoạt động công tác xã hội, từ thiện… cũng là cách để đại gia đình Tiến Nông thực hiện triết lý “Có hưởng thụ phải sẻ chia” đó.