Ngày 6 tháng 12 năm 2014, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đồng tổ chức “Hội thảo Khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội thảo.
Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông tham dự và có đóng góp tham luận với chủ đề: Doanh nghiệp khoa học công nghệ trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Xin giới thiệu toàn văn tham luận được đăng trong kỷ yếu Hội thảo:
DOANH NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG
CHƯƠNG TRÌNH TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông
Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông thành lập vào ngày 4 tháng 1 năm 1995, khi đó là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong cả nước sản xuất thành công phân lân nung chảy bằng quy trình nhiệt lò cao. Kết quả đó đến nay vẫn luôn được xem là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của một công ty khởi nghiệp từ một kết quả nghiên cứu khoa học. Vượt qua buổi đầu nhiều khó khăn thách thức, doanh nghiệp đã vững bước đi lên sáng tạo ra những sản phẩm mới trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến và được đổi mới liên tục. Khoa học công nghệ là nền tảng và động lực phát triển của Tiến Nông.
Nhờ những nỗ lực không ngừng trong suốt 20 năm qua, Tiến Nông đã vinh dự được ghi nhận là doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ theo Giấy chứng nhận số 228/DNKHCN và Quyết định số 91/QĐ-SKHCN ngày 8/4/2014 của Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa. Mới đây, ngày 24 tháng 4 năm 2014, Doanh nghiệp tiếp tục được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam 2013 nhờ những đóng góp thiết thực từ đề tài “Sản xuất phân bón NPK có chứa silic dễ tiêu dùng cho cây Lúa tại Thanh Hóa”.
Với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp sáng tạo dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam, việc tiếp cận, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất trong và ngoài nước được công ty rất chú trọng. Thương hiệu Tiến Nông gắn liền với các sản phẩm nổi bật như phân bón kiểm soát phân giải, chất điều hòa pH đất, bộ dinh dưỡng cân bằng cho cà phê, cao su, mía đường, lúa, cây ăn quả…đang có mặt ở 42 tỉnh thành cả nước (gồm cả 3 vùng nông nghiệp trọng điểm) và xuất khẩu sang 8 quốc gia trên thế giới.
Một trong những kết quả gần đây nhất đang nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và bà con nông dân là sản phẩm “Chất điều hòa pH đất Tiến Nông”. Trước thực trạng chua hóa của đất nông nghiệp ở hầu hết các vùng trên cả nước đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cây trồng, làm giảm đáng kể hiệu suất sử dụng phân bón, gây lãng phí lên đến 2 tỷ USD chi phí phân bón mỗi năm (Hội thảo quốc gia “giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam”, ngày 28/03/2014), Tiến Nông đã nghiên cứu và nhận thấy cần phải có bước đi thiết thực nhằm cải tạo đất trước khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật trồng trọt khác. Sản phẩm chất điều hòa pH đất Tiến Nông ra đời trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về vai trò của than sinh học, kết hợp với các phương pháp truyền thống, được bổ sung trung, vi lượng và chất hữu cơ với tỷ lệ phù hợp. Khi được ứng dụng thực tế, sản phẩm tạo ra sự khác biệt rõ rệt trên đồng ruộng trên nhiều đối tượng cây trồng như mía, lúa, ngô, cà phê, hồ tiêu, rau mầu…cây trồng phát triển khỏe mạnh và cao hơn so với đối chứng ở hầu hết các chỉ tiêu sinh trưởng, phân bón tiết kiệm trung bình 15%. Kết quả đó đạt được nhờ môi trường pH đất được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của cây và qua đó, hiệu suất sử dụng phân bón được nâng lên. Tại Hội nghị triển khai tái cơ cấu ngành trồng trọt vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao giải pháp của Tiến Nông và cho rằng đây là một giải pháp rất cần được áp dụng rộng rãi trên cả nước.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm quan các sản phẩm Tiến Nông bên lề Hội nghị triển khai tái cơ cấu ngành trồng trọt
Bên cạnh lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng, Tiến Nông đang tiếp tục tiên phong trong các lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất, chế biến lúa gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu với mục tiêu khép kín chuỗi giá trị nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả và tạo được lợi thế, một lần nữa Công ty xác định áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong tất cả các khâu là điều kiện tiên quyết giúp đem lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu mới nhất vào cải tiến công nghệ và tạo ra các sản phẩm có hàm lượng KHCN và giá trị gia tăng cao là nhu cầu liên tục của Công ty. Chúng tôi xác định có ba hướng nghiên cứu phát triển trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Một là, nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón tại Việt Nam. Đây là nhiệm vụ của cả ngành nông nghiệp, nhưng sự tham gia của các doanh nghiệp là thiết thực nhất. Là một đất nước nông nghiệp, nhưng hiện nay Việt Nam cũng là một trong các nước sử dụng phân bón lãng phí nhất thế giới. Điều đó không những giảm hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, mà còn gây ra nhiều hệ lụy với môi trường. Biện pháp hiệu quả nhất theo chúng tôi là tạo ra các sản phẩm phân bón tiên tiến áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng, chẳng hạn như công nghệ màng bọc, công nghệ kiểm soát phân giải, công nghệ nano…
Hai là, cân bằng dinh dưỡng theo cây, theo đất. Một trong 4 nguyên tắc sử dụng phân bón hiệu quả là đúng loại. Mỗi loại cây trồng cần một nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây nhu cầu dinh dưỡng cũng khác nhau; một loại cây trên các vùng đất khác nhau cũng cần phải điều chỉnh dinh dưỡng bổ sung cho phù hợp. Phân bón cần phải đáp ứng được điều kiện chuyên dùng đó, vì vậy nghiên cứu tạo ra các sản phẩm phân bón cân bằng được dinh dưỡng theo cây theo đất là rất quan trọng. Sử dụng dinh dưỡng cân bằng cũng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.
Ba là, thực hiện đồng bộ và khép kín chuỗi sản xuất lúa gạo, đẩy mạnh hình thành cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa. Chọn lúa gạo để đầu tư là một hướng đi đầy thách thức đối với Công ty, nhưng từ những nghiên cứu và mô hình thực tế, chúng tôi thấy rằng vẫn có hiệu quả. Giải pháp chính là áp dụng KHCN đồng bộ trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất: cải tạo đất trồng, quy hoạch đồng ruộng, cơ giới hóa đồng bộ, sử dụng phân bón chuyên dùng và hợp lý, quản lý dịch hại tổng hợp…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh thăm mô hình sản xuất lúa của Tiến Nông
Từ kinh nghiệm của Công ty, chúng tôi cho rằng sự chủ động của doanh nghiệp là quan trọng nhất trong bối cảnh Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh. Mối liên bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) vẫn là động lực cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng chúng tôi nhận thấy đối với các doanh nghiệp chủ động có sự đầu tư lâu dài cho KHCN thì vai trò của nhà khoa học với doanh nghiệp trở thành một và gia tăng hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp đó, biện pháp tích cực nhất mà Nhà nước có thể hỗ trợ là tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, kiên quyết xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.