* Hợp tác nghiên cứu, áp dụng công nghệ thủy nhiệt trong sản xuất phân bón hữu cơ
Mô hình có sự phối hợp của Cty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan, phòng NN-PTNT, trạm khuyến nông huyện Thạch Thành, triển khai trên diện tích 0,5 ha, ở thôn Minh Lộc.
Ngay từ những ngày đầu lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật Cty Tiến Nông trực tiếp tập huấn, “cầm tay chỉ việc” cho bà con cách bón 2 loại phân bón mới gồm mía 1 (chuyên lót) và mía 2 (chuyên thúc), nhằm làm tăng nồng độ pH trong đất, tạo điều kiện cho cây mía phát triển tốt hơn.
Sản phẩm mía 1 có ưu thế là cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối ở dạng dễ tiêu, giúp cây mía đâm chồi và phát triển chồi khỏe; giảm tỷ lệ chết chồi non, đẻ nhánh tập trung, hạn chế sâu bệnh. Đối với mía 2, ngoài cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối ở dạng dễ tiêu sản phẩm này còn giúp cây mía vươn lóng mạnh, chống đổ ngã, hạn chế sâu bệnh, thúc đẩy quá trình tích lũy đường, tăng năng suất cây mía.
Đặc biệt, chất điều hòa pH đất có trong hai dòng sản phẩm trên đã khử chua, hạ phèn, nâng cao độ phì nhiêu cho đất; đồng thời, tái tạo hệ keo đất, cung cấp các chất dinh dưỡng trung, vi lượng cho cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí đầu tư.
Nông dân Vũ Văn Nghĩa cho biết, gia đình ông trồng 8 ha mía từ năm 1996. Ngày trước, ông cải tạo đất bằng vôi, còn việc chăm sóc tốn rất nhiều công sức vì cỏ dại, lá mía dày, đất cằn cỗi. Tuy nhiên, sau khi sử dụng chất điều hòa pH đất kết hợp bón bộ sản phẩm mía 1, mía 2 của Cty Tiến Nông, hiệu quả kinh tế tăng lên rất nhiều.
“Trước mắt chúng tôi thấy năng suất mía mô hình tăng lên 85 – 90 tấn/ha, một số ruộng chăm sóc tốt còn đạt gần 100 tấn/ha (cao hơn đối chứng 25 – 30 tấn/ha), giảm được công lao động và chi phí đầu tư ban đầu. Người dân phấn khởi lắm. Hi vọng sắp tới chính quyền các cấp và Cty sẽ nhân rộng mô hình này”, ông Nghĩa nói.
Tại buổi hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc Cty Tiến Nông khẳng định: “Cty sẽ tiếp tục cùng đồng hành, cung ứng cho nông dân các sản phẩm phân bón bảm bảo chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, máy móc, vốn… giúp bà con tăng thu nhập từ cây mía”.
Mô hình cánh đồng sử dụng đồng bộ dinh dưỡng Tiến Nông trên cây mía ở Thạch Thành
Được biết, Thạch Thành là một trong những huyện có diện tích trồng mía lớn của tỉnh Thanh Hóa. Hầu hết diện tích đang được quy hoạch vùng nguyên liệu cho Cty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan (gần 5.000ha), riêng xã Thành Minh có 250ha.
Trước đó, ngày 3/12 Cty Tiến Nông đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư nghiên cứu áp dụng công nghệ thủy nhiệt trong SX phân bón hữu cơ với Trường ĐH công nghệ Tokyo - Nhật Bản, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Cty K.K Satisfactory International (Nhật Bản).
Hiện nay hầu hết các Cty SX phân bón ở nước ta đang áp dụng phương pháp lên men tự nhiên hiếu khí để SX, tuy nhiên công nghệ này thời gian ủ kéo dài và khó khăn trong việc kiểm soát sự có mặt của các vi sinh vật, đặc biệt là các vi sinh vật gây bệnh trong sản phẩm.
Vì vậy, việc áp dụng công nghệ thủy nhiệt của GS Yoshikawa, sử dụng hơi nước ở nhiệt độ cao từ 180 độ C – 200 độ C và áp suất cao 2 at để “hấp” nguyên liệu hữu cơ, giúp loại bỏ hoàn toàn các vi sinh vật gây bệnh, đẩy nhanh quá trình phân rã lignin, xenlulozer; quá trình ủ kiểm soát tối ưu các vi sinh vật có lợi trong quá trình lên men hiếu khí, và có lợi cho đất, cho cây trồng; nguyên liệu sau khi được xử lý thủy nhiệt không có mùi hôi và hoàn toàn sạch vi khuẩn có hại, đang là một trong những giải pháp hứa hẹn thay thế quy trình SX hiện nay ở nước ta.
“Chúng tôi hi họng, việc đưa vào vận hành thử nghiệm công nghệ thủy nhiệt sắp tới tại Cty sẽ đạt hiệu quả cao, hướng tới nhân rộng không chỉ riêng Thanh Hóa mà còn ở một số tỉnh khác trong cả nước”, đại diện Cty Tiến Nông nói
Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/dong-bo-dinh-duong-cho-cay-mia-post153654.html