Nông dân Nga Sơn thu hoạch cói
Nga Sơn được biết đến là vùng quê có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Đặc thù là huyện có nhiều xã vùng bãi ngang, điều kiện phát triển nông nghiệp và kinh tế biển còn nhiều vất vả.
Cách đây khoảng 10 năm, năng suất cói thấp, sản phẩm khó bán và giá bán rẻ. Vì thế, không ít xã của huyện có số hộ đói, hộ nghèo cao. Báo chí cũng đã phản ánh khá nhiều về tình trạng mất mùa cói, đói mùa giáp hạt ở miền quê này.
Nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh đã về địa phương thị sát, đưa ra nhiều giải pháp và chính sách để giúp nhân dân nơi đây tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất.
Cói được coi là cây trồng có tiếng ở Nga Sơn nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng không mấy thuận lợi. Khoảng năm 2010, vùng cói đã được công nhận chỉ dẫn địa lý, góp phần giúp Nga Sơn xây dựng lộ trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn 6 xã vùng cói...
Từ đó, cán bộ và nhân dân miệng nói, tay làm cùng nhau chung sức, chung lòng phát huy hết khả năng để xây dựng phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Theo lời các cụ kể lại, ngày xưa, chiếu cói Nga Sơn cùng chiếu cói của Kim Sơn (Ninh Bình) là một trong những vật cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc ưa dùng.
Trải qua hơn 150 năm tồn tại với không biết bao nhiêu thăng trầm, giờ đây, người dân Nga Sơn không đơn thuần chỉ dệt chiếu cói, nhiều sản phẩm từ cói đã trở thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với những nét hoạ tiết, văn hoa khác nhau dành cho xuất khẩu.
Sản phẩm được làm từ cói Nga Sơn đã có mặt tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Âu đưa Nga Sơn trở thành huyện có kim ngạch xuất khẩu cói lớn nhất cả nước.
Ngoài việc phát triển kinh tế vùng cói, Nga Sơn đã xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng hiệu quả cao ở 12 xã với tổng diện tích 3.000ha.
Huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ giống lúa, mua máy cấy, máy gặt đập liên hợp,… tổ chức đưa nhiều cây trồng cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hàng năm đạt diện tích trên 700ha. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 93,4 triệu đồng. Có 2.500ha đạt giá trị 120 triệu đồng/năm trở lên.
Cùng với phát triển nông nghiệp, phong trào xây dựng NTM ở Nga Sơn cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm.
Đến hết năm 2014, Nga Sơn đã có 3 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2015, Nga Sơn quyết tâm có thêm 2 xã về đích NTM. Một trong số đó phải kể đến điểm sáng Nga Yên.
Theo Chủ tịch UBND xã Nga Yên, ngoài cơ chế chính sách của cấp trên, địa phương đã chủ động xây dựng các cơ chế lồng ghép và hỗ trợ, nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển.
Đó là, nạo vét, xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu; kiên cố hóa đường giao thông nội đồng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất được thuận lợi, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
Xã có chính sách hỗ trợ vật tư, giá giống theo phương án sản xuất ở cả 3 vụ/năm từ năm 2011 đến nay, các mô hình sản xuất cây có giá trị kinh tế cao như ớt xuất khẩu, bí xanh, dưa hấu, khoai tây giống F1, củ đậu, ....
Cùng với đó là Nga Yên đã xây dựng vùng sản xuất rau an toàn 6 ha tập trung, mang lại hiệu quả thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa nên nhân dân rất phấn khởi.
Cói Nga Sơn đã có mặt tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Âu
Khi kết cấu hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng được đầu tư bài bản, tổ chức sản xuất cơ bản đáp ứng thì chính quyền tiếp tục đầu tư 100% vốn ngân sách xây dựng công sở, nhà văn hóa, xây mới trạm y tế 2 tầng, nâng cấp cải tạo nhà điều trị cũ và toàn bộ hệ thống khuôn viên của trạm.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kinh tế nông nghiệp của Nga Sơn vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực vùng biển; tỷ trọng sản xuất hàng hóa còn thấp; các cụm làng nghề đã được quy hoạch nhưng phát triển chậm; tiềm năng về du lịch chưa được đầu tư nhiều và khai thác có hiệu quả…
Vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, đòi hỏi lực và trí tuệ của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Nga Sơn bằng những giải pháp đột phá để vượt qua trở ngại, tạo đà vững chắc cho con đường phát triển phía trước.