1. Các tỉnh phía Bắc
Trên lúa:
- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Gây hại mức độ nhẹ đến trung bình trên trà lúa trỗ - chín; cần theo dõi chặt và phòng trừ kịp thời nơi có mật độ cao.
- Sâu đục thân 2 chấm: Tiếp tục gây hại trên lúa trà muộn giai đoạn trỗ - chắc xanh tập trung ở đồng bằng và trung du phía Bắc; mức độ gây hại nhẹ đến trung bình. Tập trung theo dõi và phòng trừ kịp thời.
- Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn: Do thời tiết chuyển mùa hanh khô, bệnh có xu hướng gây hại giảm. Hạn chế bón phân đạm, phân bón qua lá thúc đòng, nuôi hạt để hạn chế bệnh.
- Ngoài ra, theo dõi và phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu bệnh hại bông, hạt như nhện gié, bệnh lem lép hạt, bệnh đạo ôn trên lúa đòng già - trỗ bông và một số sâu bệnh khác.
2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên
- Lúa HT muộn: Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt... tiếp tục gây hại.
- Lúa mùa - vụ 3 giai đoạn chắc xanh - chín: Chuột, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt... tiếp tục phát sinh gây hại.
- Lúa rẫy (Tây Nguyên) giai đoạn đứng cái, đòng trỗ: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá, cổ bông tiếp tục gây hại.
3. Các tỉnh phía Nam
- Rầy nâu trên đồng phổ biến tuổi 4 - 5 với mật độ thấp đến trung bình. Cần duy trì mực nước trên ruộng thích hợp để phát huy hiệu quả của nhóm thiên địch bắt mồi ăn thịt trong và trên mặt nước.
Đây là thời điểm thích hợp tiến hành cấy né rầy cho lúa mùa và gieo sạ né rầy cho lúa ĐX sớm.
- Bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục phát sinh từ nhẹ đến trung bình, trên lúa đẻ nhánh đến đòng - trỗ. Cần khuyến cáo nông dân theo dõi và phát hiện bệnh sớm để phòng trị kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn.
- Lưu ý phòng ngừa tốt đối với ốc bươu vàng đặc biệt đối với lúa mới sạ < 15 ngày và những ruộng khó thoát nước; bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng. Các đối tượng khác xuất hiện và gây hại thấp.
4. Trên cây trồng khác
Cây vụ động: Tổ chức diệt trừ chuột. Theo dõi và phòng trừ bệnh lùn cây ngô, châu chấu hại ngô; ruồi đục ngọn đậu tương; thoát nước để hạn chế bệnh chân chì, huyết dụ.
Cây mía: Sâu đục thân mía vũ hóa, có thể đẻ trứng trên các diện tích mía non, cần điều tra phát hiện sớm để xử lý kịp thời.
Cây sắn: Rệp sáp bột hồng tiếp tục gây hại, diện tích nhiễm có xu hướng giảm; Bệnh chổi rồng tiếp tục hại cục bộ sắn giai đoạn nuôi củ - thu hoạch. Cần chủ động bao vây, phun trừ các ổ rệp sáp bột hồng, thường xuyên giám sát sự xuất hiện trở lại để tiêu hủy nguồn rệp.
Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ, rệp sáp, bệnh chết nhanh, chết chậm tăng vào cuối mùa mưa; cần tạo rãnh thoát nước, xử lý chế phẩm sinh học để hạn chế bệnh.
Cây cà phê: Bệnh khô cành, gỉ sắt... tiếp tục hại phổ biến trên cà phê ở Tây Nguyên.
Cây thanh long: Bệnh đốm nâu gây hại có xu hướng giảm (Bình Thuận) về tỷ lệ hại và diện tích bị nhiễm bệnh. Cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp trong quy trình Cục BVTV đã ban hành.