Mở cửa rộng hơn, hội nhập sâu hơn thông qua các FTAs, đặc biệt là TPP với một cộng đồng gồm 12 quốc gia, chiếm 40% GDP của toàn thế giới đang được xem như một cú hích mạnh mẽ khiến các DN trong nước buộc phải nhìn lại và nỗ lực nhiều hơn trong việc xúc tiến đầu tư nông nghiệp. Vậy, DN Việt Nam đã và đang đầu tư nông nghiệp như thế nào?
Mặc dù là ngành duy nhất xuất siêu, song nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao về chuỗi giá trị
DN lớn, đi đường lớn
Ở lĩnh vục thủy sản, với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển theo hướng liên kết cả chiều dọc lẫn ngang, tức cả đi sâu vào giá trị chuỗi cung ứng, mở rộng độ phủ và quy mô, tầm ảnh hưởng phải kể đến vua cá tra – CTCP Thủy sản Hùng Vương. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Hùng Vương Group cho biết: Định hướng khép kín chuỗi cung ứng từ thức ăn – giống con/ vùng nuôi – thu mua, đánh bắt – chế biến, xuất khẩu, sử dụng công cụ M&A… đã giúp Hùng Vương phát triển mạnh mẽ và đi sâu được vào các thị trường khó tính trong giai đoạn vừa qua. Hơn ba năm miệt mài với M&A, một trong những thương vụ sở hữu đáng kể nhất giúp Hùng Vương gia tăng lợi thế của mình là việc thâu tóm 90,38% cổ phần của Việt Thắng, giúp Hùng Vương làm chủ vùng thức ăn chăn nuôi thủy sản.
Hiện nay, với mạng liên kết gồm Mẹ (trong đó có 6 Cty con, 7 Cty liên kết), vị thế vua cá tra của Hùng Vương gần như không có nguy cơ bị các đại gia ngoại lăm le soán ngôi. Đây cũng là điểm khác biệt của Hùng Vương trên thị trường so với các DN ngành xuất khẩu súc sản – thực phẩm, những DN đều đã bỏ quên và chậm chân trước các đại gia ngoại, để họ chiếm giữ thị trường thức ăn chăn nuôi công nghiệp – một nguồn vào quan trọng của DN sơ, tinh chế thủy hải sản nói chung.
Khác với Hùng Vương Group, CTCP Phúc Sinh – một DN được xem như “vua nông sản” hiện nay tại VN lại thực hiện mạng lưới liên kết dọc và ngang theo hướng liên kết vùng trồng với người nông dân và thị trường tạm nhập để chủ động nguyên liệu cho nông sản xuất khẩu và chế biến phục vụ nội địa. Phát biểu tại diễn đàn “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” do Tổng hội NN&PTNT Việt Nam cùng CafeF tổ chức, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Phúc Sinh cho biết: Tính đến 2015, Phúc Sinh là DN lớn nhất trong ngành xuất khẩu tiêu thế giới với 8% thị phần; sản lượng xuất khẩu cà phê của Phúc Sinh cũng ở Top 10 các DN xuất khẩu ngành cà phê VN; tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt trên 240 triệu USD. Để có được kết quả đó, Phúc Sinh đã kiên trì suốt 14 năm thực thi chiến lược đi từ nhỏ đến lớn, đầu tư bài bản, tích lũy lợi nhuận để phát triển các nhà máy hoạt động theo theo tiêu chuẩn ISO 22000; đi từ các vùng nguyên liệu được chính DN đầu tư cho bà con nông dân sản xuất tiêu chuẩn SAN, 4C, UTZ… đến song song thực hiện chuyển khẩu, chọn đầu vào chất lượng để đến năm 2015 mới thực sự là thời điểm bung ra, đi sâu tinh chế sản phẩm cho giá trị tăng cao ở cả tiêu lẫn cà phê.
Phúc Sinh theo cung cách đó, như một “đại diện” cho các DN không chờ đợi chính sách hay tìm lợi thế khai thác tài nguyên tích sản địa điền hoặc thủy vực, mà vẫn hùng mạnh nhờ có mạng lưới liên kết vững vàng từ vùng trồng – nguyên liệu – nhà máy, để phát triển nông sản bằng “hai chân”: Xuất khẩu và nội địa.
Đại diện cho làn sóng đầu tư mạnh mẽ, Tập đoàn Vingroup gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco với sứ mệnh cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe của người dân Việt và các thế hệ tương lai, tiến tới việc đưa một số nông sản thế mạnh VN ra thế giới. Đây là DN được đánh giá có giá trị thương hiệu mạnh nhất trên thị trường bất động sản. Uy tín và tiềm lực của Vingroup khiến con đường đầu tư nông nghiệp của tập đoàn này cũng khẳng định sự khác biệt so với các DN khác. Được biết hiện nay, Vingroup đã được Thành phố Hải Phòng giao cho 25 ha đất nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi khép kín gồm nghiên cứu, thí nghiệm – trồng – phân phối các mặt hàng thực phẩm sạch, 60 ha còn lại đang được xem xét chuyển giao. Tổng số diện tích đất Vingroup muốn canh tác nông nghiệp tại khu vực này lên tới 200 – 300 ha, chưa bao gồm các dự án đầu tư đang được hoạch định ở các địa phương khác như Tp HCM, Đồng Nai, Sa Pa (Lào Cai), Hải Dương, Thanh Hóa, Kon Tum…
Mở rộng chiều ngang như vậy đòi hỏi DN phải có vốn đầu tư lớn (đến nay, Vingroup đã đầu tư hơn 2000 tỷ đồng cho VinEco trong giai đoạn đầu, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với ba đối tác lớn từ hai quốc gia có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới là Nhật Bản và Israel), đồng thời DN cũng phải có hệ thống phân phối, bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm đầu ra (bao gồm sản phẩm của các mạng liên kết nhà cung cấp, vùng trồng tới sản phẩm của chính VinEco trên toàn quốc). Hiện ngoài thương vụ mua lại Maximark, một trong những hệ thống siêu thị lớn gồm 12 cơ sở tại khu vực phía Nam, các thương hiệu bán lẻ của tập đoàn Vingroup phát triển hùng mạnh rộng khắp trên cả nước (12 TTTM Vincom và Vincom Mega Mall đang đi vào hoạt động, VinMart và VinMart+ với 125 cơ sở; Vincom Retail cũng đã có dự kiến sẽ tăng lên gần 40 TTTM vào năm 2016 và tiến tới phát triển 100 TTTM trên toàn quốc vào năm 2020). Hệ thống bán lẻ theo đó chắc chắn sẽ đóng góp mạnh mẽ cho mãi lực tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được sản xuất từ VinEco, và có thể cho chi phí rẻ hơn, lợi nhuận tốt khi DN bao trọn đầu – cuối.
Đáng lưu ý, chỉ sau mấy tháng thành lập (3/2015) VinEco có tốc độ phát triển rất nhanh và hiện đã khởi công nhà kính đầu tiên trồng rau sạch tại Vĩnh Phúc với suất đầu tư gần 1000 tỷ, dự kiến sẽ tiếp tục khởi công nhà máy thứ hai tại Củ Chi (TpHCM). Đến nay, khoảng 30.000 tấn rau sạch được cung ứng ra thị trường từ VinEco, chưa kể các sản phẩm rau quả hữu cơ nhằm đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt. Không những vậy, trên cơ sở nghiên cứu sâu và sản xuất một số loại nông sản thế mạnh của VN, sẽ hướng tới việc cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường quốc tế…
Có thể nói, con đường làm nông nghiệp sạch của Vingroup đang đầy kì vọng sẽ dần thay đổi tư duy “làm nông khó giàu” của người Việt. Còn thị trường thì kì vọng sẽ được chứng kiến một “vua nông nghiệp” 100% made in Vietnam chiếm lĩnh thị trường, không để ngay cả cái lõi cơ bản của kinh tế VN cũng rơi vào túi của các nhà đầu tư ngoại đang đến từ AEC, các FTAs lẫn TPP.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Tìm phân khúc ngách
Hai trường trường hợp trên có thể xem là cách đi của những DN lớn. Vậy còn những DN nhỏ, vừa sẽ có cách đi thế nào?
Một xu hướng đầu tư khác đang nổi lên gần đây của các DN nhỏ là đầu tư nông nghiệp theo dạng trang trại – thức ăn – gia đình (Farm – Foods – Family = 3F). Xin nhấn mạnh đây không phải là mô hình tương tự kiểu PAN Food, một DN nông nghiệp cũng đang phát triển theo 3 chữ F với quy mô công nghiệp hóa nông nghiệp. Bởi Farm ở đây, được DN nhỏ xác lập theo kiểu trang trại gia đình. Chỉ cần 2-3 ha đất, đã có thể lập trang trại (trông cây, chăn nuôi), với các tiêu chí nông nghiệp tự nhiên (sạch), kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng (có cung cấp nơi nghỉ, thức ăn tại chỗ, mua và mang về). Nhiều nhà đầu tư xem đó là bước phát triển mới của dịch vụ “home stays” – trải nghiệm du lịch một ngày làm nông dân, hình thức kinh doanh nông nghiệp – du lịch khác đã thịnh hành ở các nước phát triển.
Theo hướng chuyên nghiệp, ở VN, mô hình này có lẽ bắt nguồn từ làng rau Trà Quế – một địa danh du lịch nổi tiếng của Hội An (Quảng Nam). Ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu đánh giá Homestay từ làng rau Trà Quế là một cách làm thương hiệu địa phương rất thông minh, nâng tầm giá trị gia tăng từ dịch vụ có gốc nông nghiệp.
Đưa “làng rau Trà Quế” đến khu vực quanh Tp HCM, nhiều DN đã đầu tư các trang trại nông nghiệp, cung cấp rau củ quả sạch tại chỗ kết hợp dịch vụ du lịch. Cụ thể như Family Garden của chị Nguyễn Quỳnh Trân, GĐ Cty Family Garden tại Thảo Điền (quận 2), Tree- Child Farm (Bình Dương)… Nhu cầu làm nông dân ở ngay giữa lòng đô thị có thể nói đã mở ra hướng đi vào phân khúc ngách cho những nhà đầu tư nông nghiệp không chọn “ganh đua” cùng công nghệ cao, “bơi” cùng các DN có hệ thống bán lẻ hoặc có sẵn thị phần cung cấp sản phẩm ra thị trường bán lẻ và đến tay người tiêu dùng. Hướng đi này “đại diện” cho xu thế khai thác các giá trị gia tăng đa dạng, song song tìm giá trị gia tăng qua hàm lượng sản phẩm tinh chế thay cho chế biến thô.
Tuy nhiên, trong làn sóng hội nhập sâu và mở rộng, tập trung nguồn lực ở những DN lớn, mạng liên kết mở rộng cả dọc lẫn sâu (từ công nghệ tới tiêu dùng) nhìn chung vẫn được các chuyên gia đánh giá sẽ là điều kiện cần và đủ để nông nghiệp VN tận dụng cơ hội và phát triển bền vững, trong khi đầu tư phân khúc ngách tuy không quá rủi ro song lại có tính mạo hiểm của trào lưu và sẽ giải quyết những khoảng không tiềm năng còn lại.
Muốn đi được song song, phủ sóng mọi hướng, không để mất lợi thế trên sân nhà, tạo doanh thu lớn và khai thác được cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa với chuỗi giá trị được đánh giá cao, các chuyên gia cho rằng bên cạnh nỗ lực của các DN, vẫn cần có sự quan tâm của Nhà nước, các cơ quan có liên quan bao gồm cả ngành Nông nghiệp – Đầu tư – Ngân hàng lẫn Du lịch… giúp sự phát triển nông nghiệp không đi kiểu ồ ạt thiếu quy hoạch, đồng thời có hậu thuẫn cho những nhà đầu tư phát triển lớn mạnh theo dạng mạng liên doanh, liên kết, theo chuỗi, thậm chí theo vùng. Ngay cả những DN nông trang tự phát cũng đang mong đợi sự hậu thuẫn và phát triển để trở thành những mạng lưới nông nghiệp như vậy.
Theo nghĩa đó, đầu tư nông nghiệp hàm ý cần sự liên kết ở tầm vĩ mô giữa các Bộ, ngành, để từ đó mới có được sự liên kết vi mô giữa các DN với nhau, hay các DN với nông dân…