Thông thường, trong thâm canh mía đồi, việc chăm sóc, tái sinh mía lưu gốc cho vụ sau có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi sau mía tơ, mía lưu gốc mới chính là những vụ thu hoạch cho năng suất cao mà không phải chi phí giống, công làm đất, công trồng mới. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như: thu hoạch mía tơ không đúng cách, phân bón thiếu dinh dưỡng, bón không kịp thời, nhiều diện tích mía lưu gốc đã không phát huy được tiềm năng năng suất. Để giúp bà con thâm canh mía đạt hiệu quả cao hơn, niên vụ mía năm 2013-2014, Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông đã tiến hành trình diễn bộ sản phẩm công nghệ cao đồng bộ: NPK16.16.8+TE và Kaly con rồng đỏ KNS 18.15.15 áp dụng cho mía lưu gốc theo quy trình kỹ thuật của Tiến Nông. Mô hình được thực hiện trên diện tích mía lưu gốc của hộ gia đình nông dân Nguyễn Thị Khang thôn Vạn Bảo-xã Thành Tâm-Thạch Thành.
Mía lưu gốc nói chung cần một lượng dinh dưỡng lớn để phục hồi, tái sinh rễ, mầm. Bởi vậy, sau khi thu hoạch mía 15-20 ngày, dùng máy Khí ngưu 3ZP tiến hành cày phá váng, móc rễ, kết hợp bón phân NPK 16.16.8 + TE và lấp đất, lượng bón 600kg/ha. Với phân bón công nghệ hơi nước NPK16.16.8+TE, ngoài đạm, lân, Kaly thì còn có các nguyên tố trung vi lượng cần thiết cho cây mía trong giai đoạn này nảy mầm tập trung, tạo bộ rễ và gốc mía to ngay từ đầu, giúp mía sinh trưởng khỏe và chống đổ tốt, cũng là tiền đề để tăng năng suất sau này.
Sau hai tháng, khi mía đã mọc mầm đều, tiến hành bón thúc lần 1 bằng phân bón Kaly con rồng đỏ KNS 18.15.15, lượng bón 600kg/ha.
Tiếp tục bón thúc lần 2 cách lần 1 hai tháng khi mía có 2 đến 3 lóng, với lượng bón 400kg phân bón KNS 18.15.15/ha, giúp cây ,mía vươn lóng, tạo năng suất mía đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài đạm và kaly, sản phẩm này còn cung cấp thêm lưu huỳnh (S) cho cây mía, giúp cây mía khoẻ mạnh, hạn chế được sâu bệnh hại. Đến nay, qua kiểm tra đánh giá thực tế trên đồng ruộng, diện tích mía dùng bộ sản phẩm và quy trình kỹ thuật Tiến Nông được hộ nông dân đánh giá cao.
Lâu nay bà con nông dân chỉ bón phân 2 lần cho mía với tổng mức đầu tư khoảng 11 triệu đồng/ha. Việc bón phân không kịp thời, thường là quá muộn, khiến mía thiếu dinh dưỡng để tái sinh mầm, rễ mới, gốc nhỏ, dễ đổ, sinh trưởng kém nên năng suất chỉ đạt 60 đến 65 tấn. Trong khi đó, nếu sử dụng phân bón công nghệ cao theo quy trình đồng bộ của Tiến Nông, mỗi ha mía bà con đầu tư thêm khoảng 8 triệu đồng phân bón, bón kịp thời, đủ 3 lần bón mía có thể đạt đạt 110 đến 120 tấn/ha, hiệu quả kinh tế thu được hơn cách làm cũ là 30 triệu/ha. Nếu trừ đi 8 triệu tiền phân bón đầu tư thêm, mỗi ha nông dân trồng mía cũng được thêm 22 triệu đồng. Nếu một hộ có 5 ha áp dụng quy trình thâm canh này, mỗi vụ sẽ có thêm 100 triệu đồng/ha mía. Kết quả của mô hình không chỉ có sức thuyết phục với nông dân.
Cơ sở khoa học của việc sử dụng phân bón công nghệ cao theo quy trình của Tiến Nông mía có thể đạt năng suất gấp đôi, từ 60 tấn lên 120 tấn/ha là: các sản phẩm phân bón NPK 16-16-8+TE, Kaly con rồng đỏ KNS 18.15.15 sản xuất bằng công nghệ hơi nước, có hàm lượng dinh dưỡng cân đối, hợp lý, có bổ sung thêm các yếu tố trung, vi lượng ở dạng dễ tiêu, giúp cây phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh, và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bên cạnh đó còn làm tăng năng suất và chất lượng nông sản. Mặt khác lượng phân bón/ha được đầu tư tăng thêm, bón kịp thời, bón phân kết hợp dùng máy móc chăm sóc, vun xới, tạo độ tơi xốp, ít cỏ dại, cây trồng dễ hấp thu chất dinh dưỡng.
Với diện tích khoảng 7000 ha, mỗi năm vùng mía nguyên liệu mía thuộc huyện Thạch Thành cần đầu tư lượng phân bón tương đương giá trị gần 100 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ Phần công nông nghiệp Tiến Nông cung ứng 27% tổng nhu cầu đầu tư tương đương 2000ha sử dụng phân bón Tiến Nông. Tuy nhiên, hiện tại số diện tích sử dụng phân bón công nghệ cao (Công nghệ hơi nước) của Tiến Nông chưa được bà con đưa vào nhiều. Mặt khác có những hộ sử dụng phân bón này để chăm sóc mía nhưng thiếu quy trình kỹ thuật đồng bộ như bón phân quá muộn, bón phân không kết hợp dùng máy vun xới, lấp đất, bón không đủ lượng thì hiệu quả cũng sẽ không như mong muốn. Bởi vậy, Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông đang tiếp tục phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm khuyến Nông huyện Thạch Thành, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao TBKHKT cho nông dân trồng mía, nhằm sử dụng hiệu quả phân bón và thu lợi nhuận kinh tế cao.