Hội thảo hợp tác quốc tế phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa.

thanhhoa.gov.vn 9/16/2015 10:40:29 AM

Ngày 09/9/2015, tại Khách sạn Lam Kinh, thành phố Thanh Hóa, UBND tỉnh phối hợp với Văn phòng Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tổ chức hội thảo "Hợp tác quốc tế phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hoá". Đồng chí: Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và ông Mark Fenn - Giám đốc dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam đồng chủ trì buổi hội thảo.

Tham dự buổi hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ; các chuyên gia tư vấn cao cấp của 7 nước trên thế giới có tham gia trồng luồng, đại diện các Viện nghiên cứu lâm sinh, Viện nghiên cứu và phát triển vùng – Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học công nghệ cùng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh bạn.

 tre luồng

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Cây luồng là cây lâm nghiệp "bản địa, truyền thống" đã gắn bó hàng trăm năm nay với đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của đồng bào các dân tộc miền núi. Thanh Hóa hiện có hơn 71.000 ha diện tích trồng luồng, là tỉnh có diện tích trồng luồng lớn nhất Việt Nam. Luồng là cây mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân vùng cao ở một số huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá và một số doanh nghiệp chế biến tre hiện đang sử dụng luồng làm nguyên liệu chính để sản xuất thành phẩm. Tuy nhiên, hiện chất lượng rừng luồng có xu hướng giảm và ngày càng suy thoái, công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm tre, luồng của Thanh Hóa còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, hạn chế về mẫu mã, chất lượng thấp. Sản phẩm từ tre, luồng của tỉnh vẫn chủ yếu là xuất bán tại thị trường nội địa, giá trị không cao, khó cạnh tranh để xuất khẩu. Mặt khác, nguồn lực đầu tư để phát triển ngành tre, luồng còn khá hạn chế, nhiều nơi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, trong khi nguồn ngân sách còn khó khăn.

Với sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển tre luồng nói chung, tình hình phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa nói riêng, hội thảo đã được nghe các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế thảo luận một cách toàn diện và đánh giá sâu sắc tình hình phát triển tre luồng trên thế giới, trong đó có những đánh giá, phân tích về bài học kinh nghiệm trong phát triển tre luồng của Trung Quốc và Myanmar, tầm quan trọng của việc phát triển tre luồng trong công tác giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội, cũng như những cơ hội thuận lợi, thách thức trong việc phát triển tre luồng của Việt Nam và của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay. Thông qua chuyên đề quản lý, phát triển bền vững tre luồng và hợp tác đầu tư phát triển tre luồng Thanh Hóa, các đại biểu đã nêu ra những hệ thống, mô hình hiệu quả trong việc phát triển bền vững tre luồng, những đề xuất về chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến tre luồng, đồng thời đề xuất cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho nhân dân và các doanh nghiệp phát triển tre luồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

hội thảo tre luồng

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận tại buổi hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh  khẳng định, tre luồng là loài cây không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị bảo vệ môi trường. Tre luồng được xem là loại sản phẩm quan trọng nhất thay thế cho gỗ, đồng thời luôn đảm bảo mức độ che phủ rừng, có tác dụng giữ đất, chống xói mòn và chống biến đổi khí hậu.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cảm ơn Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam, tổ chức Winrock International tại Việt Nam cùng những đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế khác và các doanh nhân. Đồng thời khẳng định, Thanh Hóa quyết tâm sẽ tập trung nguồn lực để phát triển ngành tre luồng, đưa ngành này trở thành một trong những ngành lợi thế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tỉnh Thanh Hóa triển khai đạt hiệu quả các mục tiêu, định hướng về phát triển tre luồng trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ công tác hợp tác quốc tế phát triển ngành tre luồng của tỉnh chủ trì, tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội thảo để hoàn thiện kế hoạch phát triển tre luồng của tỉnh Thanh Hóa dến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Về chính sách hỗ trợ phát triển ngành tre luồng bền vững, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển vùng thâm canh luồng tập trung. Về sản xuất kinh doanh ngành tre luồng, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất thủ công nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, chế biến công nghiệp tre luồng với giá trị cao. Về tăng cường hợp tác quốc tế, giao Sở Ngoại vụ tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế tìm kiếm nguồn hỗ trợ, đầu tư nước ngoài. Về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến tre luồng, đề nghị các doanh nghiệp đã và đang đầu tư cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu sản xuất mẫu mã mới đáp ứng yêu cầu của thị trường./.

sản phẩm từ tre luồng

sản phẩm từ tre luồng

Các sản phẩm từ tre luồng trưng bày tại sảnh hội trường

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP