MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

5/2/2019 4:17:58 PM

Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông là Doanh nghiệp KHCN đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng. Thành lập năm 1995 với mong muốn đưa những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp để góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành. Từ xuất phát điểm thấp, giờ đây nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên có những vị trí cao trên bản đồ nông nghiệp thế giới, giá trị xuất khẩu đạt gần 40 tỷ usd trong năm 2018, diện mạo của ngành thay đổi khó tin so với hơn 20 năm trước đây. Trong quá trình đó, Tiến Nông cũng vui mừng và tự hào khi trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu cung cấp các giải pháp đầu vào cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng: với 3 nhà máy có tổng công suất 550.000 tấn sản phẩm/năm, hàng nghìn đại diện khắp cả nước và hướng tới phục vụ một triệu hộ nông dân. Chúng tôi cũng tự hào chia sẻ tầm nhìn của Tiến Nông là trở thành đơn vị sáng tạo dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam.

Theo dõi sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam trong hơn 20 năm qua, chúng tôi nhận thấy rằng chặng đường đó không phải đường thẳng mà luôn có những nốt thăng, trầm và nếu để ý, chúng ta có thể nhận thấy mỗi giai đoạn thường gắn với một từ khoá nổi bật: “Thâm canh tăng năng suất” ở những năm 1990, đến “Hiện đại hoá nông nghiệp”, “Tích tụ ruộng đất” những năm 2000 trở đi. Có điều, dù đạt được những kết quả được ca ngợi rộng rãi, thì phía sau những giai đoạn đó, chúng ta đều nhận ra những tồn tại mặt trái của nó là không hề nhỏ cả về kinh tế, xã hội và môi trường: chất lượng nông sản thấp, giá trị thấp, nông dân bỏ ruộng, môi trường xuống cấp.... Điều đó khiến cho sự cân bằng giữa ba trục của khái niệm phát triển bền vững cứ bị lệch đi theo cách dễ nhận ra.

Vài năm trở lại đây, “nông nghiệp công nghệ cao” chính là từ khoá nổi bật mà chúng ta dễ nhận thấy. Khi mà nông nghiệp Việt Nam đã có đủ bài học về hậu quả của không duy trì trạng thái bền vững trong phát triển, thì giờ đây cần phải nhìn nhận đúng đắn về khái niệm đang tạo nên những phong trào rộng rãi trong xã hội: nông nghiệp công nghệ cao.

MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Tìm hiểu khả năng phát triển nông nghiệp trên cao nguyên đá

Cũng giống như các từ khoá khác, “nông nghiệp công nghệ cao” không phải là mục tiêu của ngành nông nghiệp, đó chỉ là một phương thức canh tác có áp dụng các công nghệ cao trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Nhưng bản thân khái niệm này mang nhiều nội hàm chưa cụ thể: Công nghệ luôn phát triển, do đó một công nghệ nào đó gọi là cao đối với nước này nhưng có thể là lạc hậu so với nước khác, cao so với giai đoạn này nhưng sẽ nhanh chóng trở thành lạc hậu. Mặt khác, công nghệ cao hay không nếu thiếu đi sự phù hợp với điều kiện thực tiễn thì cũng khó giải quyết được vấn đề. Vậy thì, việc lựa chọn công nghệ để áp dụng vào sản xuất phải đi từ nhu cầu và thực trạng của chính quá trình này, được tính đến các yếu tố: địa điểm sinh thái, quy mô, mục tiêu.

Trong phát triển nông nghiệp bền vững, mục tiêu của chúng ta là sản xuất ra nông sản năng suất cao, chất lượng tốt, bảo vệ môi trường, cân bằng xã hội. Nếu luôn tính toán đến điều đó một cách đầy đủ, có lẽ chúng ta sẽ không ồ ạt phá bỏ hết những đồi thông đẹp đẽ để biến thành những “cánh đồng trắng” với bạt ngàn nhà lưới, nhà kính như thường thấy ở Lâm Đồng; Chúng ta cũng sẽ không ồ ạt đẩy mạnh ba vụ lúa ở Đồng bằng Sông Cửu long để giá lúa thấp, luôn bấp bênh và nông dân thì dường như nghèo hơn; Và chúng ta sẽ suy nghĩ lại đến thứ hạng xuất khẩu của cà phê, hồ tiêu nếu thấy những hậu quả về sinh thái đe doạ khu vực Tây Nguyên như hiện nay...

MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO1

Tìm hiểu khả năng phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch tại Hà Giang

Công nghệ cao trong sản xuất giúp điều hoà tiểu khí hậu để canh tác được trong những điều kiện bất thuận, giúp điều tiết lượng nước tưới cho cây trồng để tiết kiệm nước, giúp theo dõi các chỉ số sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi nhằm tác động phù hợp...tất cả giúp tăng năng suất và kiểm soát được chất lượng nông sản. Nhưng cần đặt quá trình sản xuất trong cái cân bằng thường thấy với môi trường và xã hội để định hướng việc áp dụng cho phù hợp. Làm thế nào để người nông dân hiểu điều đó, để không miệt mài sao chép các mô hình nhà lưới, nhà kính khắp mọi nơi và gọi đó là công nghệ cao?

Những điều bàn ở trên đưa chúng tôi đến suy nghĩ đề xuất rằng: đừng nói nhiều về công nghệ cao ở khía cạnh từng phần như hiện nay mà cần phải đồng bộ và đơn giản hơn. Đặc biệt đối với người nông dân, có lẽ chỉ có một từ họ quan tâm nhất, đó là: bán được giá cao. Còn việc làm sao để bán được giá cao và ổn định sẽ bao gồm tổng thể các giải pháp công nghệ phía sau. Trên hết, rút kinh nghiệm từ việc phát triển thiếu đồng bộ trước đây, chúng ta cần phải luôn đặt khái niệm “phát triển bền vững” vào đúng vị trí trung tâm của nó.

Bền vững đến từ sự hài hoà, sự hài hoà đến từ việc từ bỏ tư duy chạy theo một cực kinh tế, từ bỏ tư duy coi phát triển là một cuộc đua để chạy theo thứ hạng. Trên góc nhìn tổng quan, chúng tôi đề xuất năm trụ cột của ngành nông nghiệp cần quan tâm để có sự phát triển bền vững, đó là: Thị trường; Tổ chức sản xuất; Công nghệ; Tài chính; Nguồn nhân lực. Theo đó, công nghệ cao áp dụng trong nông nghiệp cũng chỉ là một trụ cột và cần phải hài hoà với tổng thể.

 

Nguyễn Hồng Phong

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

TGĐ Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông

 

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP