Do giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao so với nhiều loại nông sản chủ lực khác ở Tây Nguyên, nên trong những năm gần đây, nông dân đã ồ ạt trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, khiến diện tích hồ tiêu tăng nhanh. Việc phát triển “nóng” nêu trên không chỉ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Vì vậy, để cây hồ tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và lâu dài.
Sướng, khổ vì hồ tiêu
Hiện nay, Tây Nguyên là vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất nước. Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đến cuối năm 2014, diện tích cây tiêu trên địa bàn Tây Nguyên đạt gần 44 nghìn ha, chiếm 51,34% diện tích cả nước. Nhìn ở mặt tích cực, cây hồ tiêu khá phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Tây Nguyên, năng suất bình quân đạt 31,4 tạ/ha, sản lượng hơn 83 nghìn tấn, giá trị do cây hồ tiêu đem lại luôn chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu hằng năm của các tỉnh. Bên cạnh đó, giá hạt tiêu luôn ổn định ở mức cao, có thời điểm đạt hơn 220 nghìn đồng/kg đã góp phần nâng cao đời sống, giúp nhiều nông dân ở Tây Nguyên không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Giá tiêu ổn định ở mức cao, cho nên cây tiêu trở thành cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên và giúp hàng nghìn hộ nông dân thoát khỏi đói nghèo, vươn lên khá giả.
Về huyện Cư Kuin, một trong những địa phương trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh Đác Lắc, dọc hai bên những tuyến đường liên xã, xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố, khang trang, nằm xen trong những vườn tiêu xanh tốt. Nhiều hộ nông dân, chỉ sau vài vụ thu hoạch, không chỉ xây dựng được nhà cửa khang trang mà còn vươn lên khá giả. Ông Nguyễn Văn Sang, quê ở tỉnh Nghệ An vào xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin lập nghiệp từ năm 1986. Thời gian đầu, cuộc sống của gia đình ông hết sức khó khăn do chỉ trồng hoa màu, năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh nên thiếu đói quanh năm. Cách đây tám năm, thấy giá hồ tiêu luôn ổn định ở mức cao, nên ông chuyển sang trồng tiêu. Đến nay 2 ha tiêu của gia đình ông bước vào vụ thu hoạch năm thứ năm, có năng suất ổn định 3 tấn/ha, mỗi năm ông thu về khoảng một tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 600 triệu đồng. Cùng nhờ cây hồ tiêu, ông Nguyễn Thanh Hải, huyện Đác Song (Đác Nông) đã thoát nghèo và trở nên giàu có. Từ 500 trụ tiêu ban đầu, đến nay ông Hải đã có trong tay hơn 22 ha, với sản lượng 4 tấn/ha, mỗi năm cho thu nhập gần 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp thời và trở nên giàu có nhờ hồ tiêu. Vì chạy theo phong trào, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, nhiều hộ kinh doanh tiêu đã phải trả giá đắt. Còn nhớ, vào những năm 2004-2005, cây tiêu đã đem lại thu nhập tiền tỷ cho nông dân các xã Đạo Nghĩa, Đác Sin (Đác R’lấp, Đác Nông), nhiều ngôi biệt thự đắt tiền nhanh chóng mọc lên, nhiều nhà còn sắm cả ô-tô để đi lại. Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, dịch bệnh đã cướp đi hàng trăm héc-ta, kéo theo hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất.
Việc người dân đua nhau trồng tiêu bất chấp khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết, việc trồng tiêu ồ ạt, làm phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng của các địa phương. Đác Lắc là một trong bảy tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, theo quy hoạch đến năm 2020 diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh là 15 nghìn ha, nhưng đến nay diện tích đã tăng trên 16 nghìn ha. Gia Lai quy hoạch 6.000 ha nhưng đến năm 2015 đã lên đến 13.109 ha. Tương tự, Đác Nông, theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ trồng 8.000 ha nhưng đến thời điểm hiện nay đã phát triển vượt mốc 16 nghìn ha, trong đó có gần một nửa diện tích là trồng mới. Không chỉ phá vỡ quy hoạch, việc ồ ạt trồng tiêu không chú trọng đến việc cải tạo đất, xử lý mầm bệnh hoặc trồng trên vùng đất không phù hợp; sử dụng phân hóa học với liều lượng cao, ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học cho cây tiêu…là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên cây tiêu phát triển mạnh, nhất là các loại nấm bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại bộ rễ đã hủy diệt hàng loạt các vườn tiêu.
Gia Lai với tổng diện tích hồ tiêu đạt 13.109 ha, trong đó đưa vào kinh doanh hơn 7.000 ha, là địa phương được Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xếp vào danh sách sáu tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu của cả nước. Thế nhưng, hầu hết giống tiêu hiện tại đều nhiễm bệnh tuyến trùng rễ; rệp sáp gốc, thối thân, vàng lá, thối rễ… Mới đây nhất, qua khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tại hai huyện Chư Sê và Chư Pưh - thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai, sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước từ 25% đến 30%. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi héc-ta tiêu mất từ 150 đến 200 triệu đồng. Cả tỉnh Gia Lai mất khoảng 700 tỷ đến 1.000 tỷ đồng doanh thu từ hồ tiêu. Năm 2014, tỉnh Đác Lắc cũng có hơn 1.400 ha tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm; Đác Nông có khoảng 20% diện tích hồ tiêu đang nhiễm bệnh vàng lá chết chậm, 15% diện tích bị bệnh chết nhanh, bên cạnh đó là hàng chục loại bệnh khác cũng khiến sản lượng hồ tiêu ngày càng sụt giảm. Việc ồ ạt mở rộng diện tích cây tiêu còn làm gia tăng tình trạng phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu, mua bán, tranh chấp đất lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên…
Tìm giải pháp để phát triển hồ tiêu bền vững
Rõ ràng, việc phát triển diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên trong những năm qua nằm ngoài quy hoạch, vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Việc người dân ồ ạt trồng tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cũng theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay chính quyền các tỉnh ở Tây Nguyên không chỉ không quản lý được diện tích mà ngay cả cây giống cũng không quản lý được. Các cơ sở sản xuất, bán cây giống mở tràn lan và bán đủ loại cây giống kém chất lượng, nhưng không ai kiểm tra, xử lý. Đến nay vẫn chưa có đề tài nghiên cứu sâu về cây tiêu, cả nước chưa có vườn ươm giống chuẩn, giống tiêu chỉ được tuyển lựa qua quá trình canh tác của các địa phương nên có hàng chục loại giống, lai tạp khác nhau; điều này ảnh hưởng đến chất lượng hạt và khó kiểm soát dịch bệnh trên cây tiêu. Trong khi đó, hiện nay một số bệnh trên cây tiêu, nhất là bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm vẫn chưa có thuốc đặc trị, tiêu mắc bệnh chết hàng loạt đã gây thiệt hại rất lớn, khiến cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương phát triển thiếu bền vững.
Nhiều địa phương ở Tây Nguyên ồ ạt chuyển sang trồng hồ tiêu.
Thời gian qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và các đơn vị liên quan các tỉnh Tây Nguyên tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm… với mong muốn đưa ra những khuyến cáo hữu hiệu nhằm giúp người nông dân cũng như chính quyền các tỉnh Tây Nguyên hiểu sâu về thực trạng, tiềm năng cũng như mở ra cơ hội để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu theo hướng bền vững. Tại diễn đàn khuyến nông chuyên đề “Phát triển hồ tiêu an toàn theo hướng VietGAP” tổ chức tại Gia Lai, TS Tôn Nữ Tuấn Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, chủ đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP tại Gia Lai” cho rằng: Các loại dịch bệnh ngày càng gia tăng trên cây hồ tiêu ở Tây Nguyên là do giống tiêu bị nhiễm bệnh rễ và vi-rút gây bệnh, trong đó có bệnh chết nhanh, chết chậm. Đặc điểm bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu lây lan rất nhanh, nên quá trình trị bệnh phải đúng thời điểm, dùng thuốc đúng liều lượng và phải đúng quy trình. Theo đó, quy trình phòng, chữa bệnh phải đồng bộ - nghĩa là tất cả các vườn tiêu trong khu vực phải tiến hành biện pháp phòng trừ cùng lúc và thường xuyên. Ở một khía cạnh khác, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia thì cho rằng, nếu dùng mọi biện pháp để tăng năng suất thì quá trình phát triển hồ tiêu sẽ đối mặt với sâu bệnh lây lan. Mới đây, trong hội nghị “Đánh giá hiện trạng sản xuất hồ tiêu và định hướng phát triển thời gian tới”, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc (Bộ NN và PTNT) đề xuất, việc xây dựng thương hiệu quốc gia “Hồ tiêu Việt Nam” là rất cần thiết và nên làm sớm; đồng thời từng địa phương nên đi vào xây dựng chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc khi cần thiết; từ cơ sở đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu tốt để tổ chức chế biến, tạo ra những sản phẩm cao cấp, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và uy tín của hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế.
Hồ tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ kinh doanh cả chục năm, vốn đầu tư ban đầu lớn. Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, việc nông dân ồ ạt trồng tiêu trong khi chưa được kiểm soát về quy hoạch, giống tiêu, dịch bệnh và hóa chất bảo vệ thực vật; công tác sơ chế, chế biến còn thủ công, không bảo đảm chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… khiến cây tiêu đối mặt với nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững. Vì vậy, để cây tiêu phát triển bền vững, theo TS Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên thì các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, các nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào...Vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc phòng trừ bệnh hại trên cây tiêu, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm cần phải sử dụng các biện pháp tổng hợp, trong đó phòng bệnh có vai trò quyết định.
Cây hồ tiêu là thế mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời đóng góp lớn vào sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của cả nước. Việc giúp người dân ổn định vùng chuyên canh, tiếp thu những kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản đang rất cần sự chung tay vào cuộc của các nhà quản lý cũng như các cơ quan chuyên môn nhằm tìm hướng đi thích hợp để cây hồ tiêu phát triển một cách bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.