Tây Nguyên là vùng cà phê trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây , sản lượng cà phê Tây Nguyên liên tục giảm mạnh theo từng niên vụ, ảnh hưởng không nhỏ tới người trồng cà phê nói riêng và ngành cà phê nói chung.
Ảnh minh họa.
Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ cà phê 2014-2015 sẽ giảm 15- 20% so với niên vụ trước. Đây là năm thứ3 sản lượng cà phê của vùng Tây Nguyên liên tiếp giảm mạnh, cụ thể: Niên vụ 2012- 2013 giảm 10-15%; niên vụ 2013-2014 tiếp tục giảm 15% và niên vụ 2014- 2015 sẽ giảm nữa.
Đăk Lăk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất của Tây Nguyên cũng như cả nước với khoảng 202.500 ha, trong đó diện tích trồng mới khoảng 3.000 ha, diện tích cho thu hoạch sản phẩm 192.000 ha, năng suất ước đạt 22,5 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng 432.000 tấn. Tuy nhiên, trong những năm qua, sản lượng cà phê của Đăk Lăk liên tục giảm, do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính được xác định là do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, tình trạng thiếu nước tưới, cà phê già cỗi...
Không chỉ bị ảnh hưởng do thời tiết, mùa khô vừa qua, Tây Nguyên chỉ đủ lượng nước tưới cho 60% diện tích trồng cà phê. Cụ thể, tính đến cuối tháng4, toàn tỉnh Đăk Lăk có có 10.105 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 4.660 hacà phê. Diện tích bị khô hạn tập trung nhiều ở các huyện Krông Buk, Krông Ana, Lak, M’Drak..., trong đó đáng lưu ý là diện tích cà phê bị hạn nhiều nhất là huyện Krông Buk với 4.000 ha bị hạn do thiếu nước ngầm để bơm tưới.
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 2 ở Tây Nguyên, thời gian qua cũng đã có hàng ngàn ha cà phê rơi vào tình cảnh khô hạn vì thiếu nước, trong đó, huyện Di Linh có 6.000ha cà phê thiếu nước tưới đợt 1; huyện Bảo Lâm trên 530ha cà phê và 480ha chè bị ảnh hưởng nghiêm trọng... Tỉnh Đăk Nông cũng có hàng ngàn ha cà phê ở các huyện Ðak Mil, Chư Jút, Krông Nô... thiếu nước. Tình trạng thiếu nước đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ đậu quả cho cây cà phê bởi chế độ tưới nước là yếu tố quyết định tới năng suất, sản lượng của cây cà phê.
Ngoài ra, diện tích cà phê ở Tây Nguyên đều có tuổi đời từ 20- 30 năm khai thác, sản lượng và năng suất đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ. Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên, hiện diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên khá cao (trên 100 ngàn ha), khoảng 30% tổng diện tích trồng cà phê hiện nay của cả nước đã già cỗi. Đồng thời, năm nay, việc tái canh cây cà phê được nông dân quan tâm triển khai, do vậy sản lượng cà phê lại giảm theo diện tích tái canh.