Dự án “Mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” do Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội NDVN) và Hội ND tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện đã giúp nhiều hộ ND 2 xã Quang Minh và Việt Vinh, huyện Bắc Quang tăng thu nhập. Dự án được thực hiện tại niên vụ mía năm 2015 có 25 hộ tham gia, với tổng diện tích mô hình thâm canh là 10,5ha.
Vụ mía ngọt
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Chung Chiêu, dân tộc Tày, ở thôn Nái - 1 trong 14 hộ dân ở xã Quang Minh tham gia dự án khi gia đình ông đang tất bật thu hoạch mía trên đồi. Vác trên vai bó mía nặng trĩu, ông Chiêu phấn khởi chia sẻ: “Năm nay thời tiết thuận lợi, mía lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây nào cây ấy mập và rất đều. Dự kiến năm nay, mía đạt năng suất hơn 60 tấn/ha. Với 2ha trồng mía, giá công ty ký hợp đồng thu mua là 900.000 đồng/tấn, gia đình tôi có thu nhập hơn trăm triệu đồng là cái chắc, trừ chi phí sẽ lãi khoảng 60 triệu đồng, cao hơn mọi năm”.
Niềm vui được mùa của ông Nguyễn Chung Chiêu (trái), thôn Nái, xã Quang Minh (Bắc Quang, Hà Giang). Ảnh: Thu Hà
Đây là năm thứ 3 gia đình ông Chiêu trồng mía. Theo lời ông Chiêu, cây mía có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với cây keo. Nếu đầu tư trồng 1ha keo, thời gian cho chăm sóc 6 năm, thu được 30 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận còn 18 triệu đồng, chia ra mỗi năm lãi chỉ 3 triệu đồng. “Tuy nhiên, vốn đầu tư trồng mía khá lớn, nên những hộ nghèo như chúng tôi rất khó khăn trong việc chuyển đổi mô hình. Tham gia dự án trồng mía với diện tích 0,5ha, gia đình tôi được hỗ trợ 100% giống mía ROC22, 50% vật tư nông nghiệp…” - ông Chiêu thổ lộ.
Cách đồi mía của ông Chiêu không xa là đồi mía của ông Mai Văn Minh cũng đang thu hoạch. Ông Minh tỏ bày: “Đây là năm đầu tiên nhà tôi trồng mía. Hiện gia đình có 1ha đồi trồng mía, trong đó có 0,5ha là mía trồng theo dự án. Chưa có kinh nghiệm trước đó, nhưng được tập huấn và được cán bộ chỉ đạo kỹ thuật của dự án hướng dẫn chi tiết, nên vụ mía đầu tiên đã cho thu hoạch khá”.
Thu nhập tăng
Trước khi các hộ làm đất, xuống giống, Hội ND tỉnh Hà Giang đã mở 2 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh mía đường cho 25 hộ tham gia dự án thuộc 2 xã Quang Minh và Việt Vinh…
|
Anh Nguyễn Bắc Duy – Phó Chủ tịch Hội ND xã Quang Minh cho hay, địa phương có 76,5ha mía với hơn 200 hộ trồng loại cây này. Diện tích mía tập trung nhiều nhất ở thôn Nái với hơn 26ha. Hội ND xã Quang Minh đã chọn được 14 hộ ở thôn Nái tham gia dự án “Mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” với tổng diện tích là 5,5ha.
“Ngoài được hỗ trợ mía giống, vật tư nông nghiệp, bà con rất phấn khởi vì được Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 900.000 đồng/tấn mía. Ngoài ra, công ty còn cử cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn các hộ tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng mía trong quá trình thực hiện dự án” - anh Duy chia sẻ thêm.
Theo ông Nguyễn Đàm Thuyên – Chủ tịch Hội ND huyện Bắc Quang, giống mía trồng của dự án là ROC22 có đặc điểm bật mầm khỏe, thời kỳ đầu sinh trưởng mạnh, dễ bóc, năng suất cao, chín sớm và chịu hạn khá tốt. Điều kiện tự nhiên của 2 xã Quang Minh và Việt Vinh rất thuận lợi cho việc phát triển giống mía này. “Việc triển khai dự án đã nâng cao năng suất, chất lượng cây mía; gắn sản xuất với chế biến sản phẩm thông qua doanh nghiệp tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân từ 10 - 15% so với sản xuất thông thường” - ông Thuyên khẳng định.