Vi lượng - Sự tương tác với các chất dinh dưỡng khác trong đất

Tổng hợp: Hồng Nhung 3/19/2015 8:39:00 AM

Kẽm (Zn)

Các cation trong đất như Cu2+, Fe2+ và Mn2+ hạn chế khả năng hút kẽm của cây bởi chúng cạnh tranh nhau khi kết hợp với chất mang trong quá trình di chuyển vào rễ cây.

Lân: hàm lượng lân hữu hiệu trong đất cao do bản chất của đất hay do bón quá nhiều phân lân đều ảnh hưởng bất lợi đến kẽm trong đất. Phản ứng giữa lân và kẽm trong đất tạo ra các chất không tan Zn3(PO)2.4H2O, làm giảm lân và kẽm hữu hiệu trong đất. Ảnh hưởng đối kháng của P với Zn hữu hiệu càng trầm trọng hơn nếu pH đất cao.

Đạm và lưu huỳnh: Khả năng tạo ZnSO4 có ảnh hưởng đến tổng số kẽm trong dung dịch. Bón CaSO4 trên các đất có thành phần cơ giới nhẹ có thể làm tăng hàm lượng Zn và Fe trong cây. Bón đạm giúp cây sinh trưởng mạnh, làm tăng nhu cầu kẽm của cây. Các loại phân đạm có tính chua sinh lý làm tăng khả năng hút kẽm, ngược lại phân đạm có tính kiềm lại làm giảm lượng kẽm cây hút.

Sắt (Fe)

Hàm lượng đồng, mangan, molypđen và kẽm sẽ ảnh hưởng tới sự hút và sử dụng sắt của cây. Nhiều trường hợp thiếu sắt được phát hiện do sự tích lũy đồng khi bón phân đồng liên tục một thời gian dài. Một số cây trồng trên đất có nguồn gốc từ đá serpentine có triệu chứng thiếu sắt do dư thừa niken.

Đồng (Cu)

Trong đất, đồng tương tác với nhiều chất dinh dưỡng khác. Triệu chứng thiếu đồng thường xuất hiện sau khi bón các loại phân đạm chua sinh lý vì nó làm tăng nồng độ Al3+ trong dung dịch đất. Tăng lượng đạm bón có thể làm giảm hàm lượng đồng di động trong cây. Hàm lượng đạm trong cây cũng ngăn cản quá trình vận chuyển đồng từ các lá già về lá non. Nồng độ kẽm và sắt trong dung dịch đất cao cũng ngăn cản khả năng hút đồng của cây và có thể dẫn tới thiếu đồng. Tương tự hàm lượng lân trong đất sẽ làm giảm hàm lượng đồng trong rễ và lá cây. Bón nhiều phân lân cũng dẫn tới thiếu đồng. Ngược lại bón phân lân có thể khắc phục dư thừa đồng.

Mangan (Mn)

Hàm lượng Cu, Fe hay Zn trong đất cao cũng làm giảm lượng Mn cây hút. Cây trồng phát triển tốt khi tỷ lệ Fe/Mn giới hạn trong khoảng 1,5-2,5. Nếu tỷ lệ này trên 2,5 có thể dẫn đến thiếu Mn, trong khi dưới 1,5 lại gây ngộ độc mangan. Mặt khác ở đất chua, ion NH4+ ức chế mangan cây hút. Bón các loại phân trung tính như KCl hay CaCl2 trên đất chua cũng làm tăng Mn hữu hiệu trong đất và Mn trong cây. Mức độ ảnh hưởng của các hợp chất muối đến Mn hữu hiệu theo trình tự: KCl > KNO3 > K2SO4. Ảnh hưởng của KCl đến Mn cây hút rất mạnh, có thể gây ra triệu chứng ngộ độc Mn ở một số cây mẫn cảm với Mn.

Bo (B)

Canxi là nguyên tố tương tác mạnh với Bo. Nhu cầu bo của cây thấp khi cây thiếu canxi. Khi canxi hữu hiệu trong đất tăng, nhu cầu bo của cây cũng tăng lên. Sự dư thừa Ca2+ ở đất kiềm hay do bón quá nhiều vôi sẽ hạn chế bo hữu hiệu trong đất. Đối với đất giàu bo, việc bón vôi có thể khắc phục được tình trạng dư thừa bo gây ngộ độc cho cây. Tỷ lệ Ca/B trong cây là một chỉ tiêu quan trọng để chuẩn đoán dinh dưỡng bo.

Kali là nguyên tố đối kháng với bo, nếu bón quá nhiều kali sẽ ức chế cây hút bo dẫn tới thiếu hụt bo. Ngược lại, khi bị ngộ độc bo, bón kali với lượng cao có thể làm giảm mức độ ngộc độc bo.

Molypden (Mo)

Mo hữu hiệu trong đất phụ thuộc nhiều vào hàm lượng các chất dinh dưỡng khác trong đất. Sự hất phụ Mo của đất tăng lên khi có sự hiện diện Cl- trong khi lại giảm đi khi có mặt SO42-. Mo đối kháng với SO42- và Cu2+ trong đất. Nồng độ SO42- và Cu2+ trong đất cao sẽ làm giảm lượng Mo cây hút. Ngược lại, tình trạng dư thừa Mo gây độc có thể ngăn chặn bằng cách bón phân đồng. Bón lân hợp lý làm tăng Mo hữu hiệu. Mo hữu hiệu trong đất còn phụ thuộc vào sắt tự do và oxít sắt. Đất có Fe2+  và Fe2O3 cao thường nghèo Mo. Khi tăng lượng thạch cao hoặc amon sulfat, hàm lượng Mo hữu hiệu trong đất giảm.

Tags: vi lượng

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP