Viết tiếp giấc mơ "nông nghiệp công nghệ cao"

baodautu.vn 10/22/2014 8:39:18 AM

Sau hàng loạt đại gia, như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, TH… rầm rộ rót vốn đầu tư vào nông nghiệp, mới đây, Tập đoàn FPT cũng bắt tay với Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) chuyển hướng để đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, viết tiếp giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao.

Đầu tư vào nông nghiệp: vốn FDI, vốn tư nhân đều thấp

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 9/2014, cả nước có 514 dự án FDI về nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 3,6 tỷ USD. Số dự án FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3% tổng số dự án FDI, với 1,4% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam.

Con số này đã sụt giảm ghê gớm so với cách đây 15 năm (lúc đó, vốn FDI vào nông lâm ngư nghiệp còn chiếm 15% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước). Bình quân mỗi năm, nông nghiệp chỉ thu hút được khoảng 20 dự án FDI, với giá trị khoảng 130 triệu USD.

Đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân vào ngành nông nghiệp cũng không khá hơn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước chỉ có hơn 3.500 doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản, chiếm 1,6% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, năm 2013, chỉ có tổng cộng 1.020 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp thành lập mới, giảm 14% so với năm 2012, trong khi có tới 1.332 doanh nghiệp phá sản, giải thể.

“Số dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 3,4% tổng dự án FDI vào Việt Nam. Đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp cũng rất nhỏ. Hiện khối doanh nghiệp tư nhân mới đóng góp được 7,1% vào GDP ngành nông nghiệp và chỉ chiếm 12% trong tổng đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân vào GDP của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói.

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, nông nghiệp là lợi thế, là cơ hội của Việt Nam, song để tận dụng được lợi thế, phải có chính sách phù hợp.

“Để doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp, không thể chỉ kêu gọi suông, mà cần đầu tư hạ tầng, chuẩn bị nhân lực và đất đai. Khi đó, không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ đầu tư vào nông nghiệp”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tập đoàn TH đã đầu tư mạnh vào nông nghiệp, chăn nuôi

Ba yếu tố để trở thành cường quốc nông nghiệp

Thời gian gần đây, đầu tư vào nông nghiệp có dấu hiệu khả quan hơn, khi có hàng loạt doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, tiêu biểu là Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Hưng Phát, Thủ Đức House, An Dương Thảo Điền, Tập đoàn TH…

Mới đây nhất, Tập đoàn FPT đang hợp tác với Tập đoàn Fujitsu để đưa công nghệ cao vào Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển nền nông nghiệp thông minh, áp dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra sự đột phá.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành cường quốc thế giới về nông nghiệp. Nếu các lĩnh vực khác, đơn cử như công nghệ thông tin, Việt Nam chỉ cố gắng đi cùng thời đại, thì với nông nghiệp, chúng ta có thể vượt trước thời đại, bởi trên thế giới, hiếm có quốc gia nào có điều kiện thiên nhiên thuận lợi như Việt Nam”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nói.

Theo ông Bình, để làm được điều này, trước hết, doanh nghiệp nông nghiệp phải dám “mơ”, giống như các doanh nghiệp phần mềm từ chỗ chỉ có vài ba doanh nghiệp, nay đã lên tới hàng ngàn doanh nghiệp, trở thành 1 trong 10 nước xuất khẩu phần mềm hàng đầu thế giới. Tất nhiên, muốn trở thành cường quốc nông nghiệp, Việt Nam cần phải có 3 yếu tố: công nghệ, quy mô lớn và lực lượng lao động được đào tạo.

Cũng coi nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa vàng, đồng thời là xu thế phát triển của nông nghiệp Việt Nam, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho rằng, công nghệ không phải là điều đáng lo, bởi Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những công nghệ tiên tiến nhất thế giới để “đi tắt, đón đầu”, khó khăn nhất là những chính sách hỗ trợ trong nước.

Theo bà Thái Hương, Chính phủ cần ban hành những chính sách khác biệt trong vòng 3-5 năm để khích lệ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Chính quyền các địa phương cũng phải coi đây là cuộc cách mạng công nghệ cao để vào cuộc mạnh mẽ cùng nhà đầu tư, phải hỗ trợ để bàn giao cho doanh nghiệp ít nhất 70% đất sạch để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư.

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP