Vùng chè xứ nghệ chưa phát huy hết tiềm năng.

Võ Văn Dũng (nongnghiep.vn) 1/15/2016 8:21:32 AM

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, thẳng thắn thừa nhận, Nghệ An có thế mạnh về cây chè (gần 11 nghìn ha chè kinh doanh) nhưng chưa biến cây chè thành cây giúp thay đổi cuộc sống của người nông dân. 

Cần khắc phục kỹ thuật hái máy

Ông Nguyễn Văn Lập cho hay, Nghệ An đi đầu cả nước trong việc bỏ chè hạt để trồng chè cành và mạnh dạn trồng các giống chè mới như LDP1, LDP2. Năng suất chè tại Nghệ An đạt 11 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân chung của cả nước (9,7 tấn/ha). Cây chè ở Nghệ An ít sâu bệnh, người nông dân hiếm khi phải sử dụng thuốc BVTV. Năm 2012, với việc UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ nông dân mua máy hái chè, cơ bản việc thu hái chè ở Nghệ An đã được cơ giới hóa, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An, tính đến hết năm 2014 toàn tỉnh đã có 1.100 máy hái chè. Trong những năm tiếp theo, ngành chè sẽ tiếp tục bổ sung thêm 500 máy để đáp ứng nhu cầu của người trồng chè.

Vườn chè của gia đình ông Sơn hái máy không đúng cách đã chết rụi khi gặp đợt hạn nặng nề năm qua

Nhưng cuộc “cách mạng” cơ giới hóa trong ngành chè cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi người trồng chè thiếu hiểu biết về kỹ thuật hái và chăm sóc chè hái bằng máy. Mặt trái của cơ giới hóa trong ngành chè đã khiến nhiều hộ trồng chè tại Nghệ An trắng tay. Năm 2015, Nghệ An có gần 1.000 ha chè chết rụi bởi những trận gió Lào khô nóng và hạn hán kéo dài, tập trung tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông... Nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng một phần do người trồng chè đã dùng máy tận thu sản phẩm, tăng sản lượng, khiến cây chè bị kiệt quệ, không thể chống chịu với thời tiết cực đoan, thiếu nước tưới. Ông Lê Văn Sơn ở xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai (huyện Thanh Chương) khẳng định hiệu quả của máy hái chè nhưng cũng thấm thía với mặt trái của nó: “Hái máy nhanh, hiệu quả, nhưng nhà tôi cũng như một số người do thiếu hiểu biết thành ra lợi bất cập hại. Trước đây, khi hái bằng tay, giữa các vườn chè đều có cây che nắng. Còn hái bằng máy, số cây che bóng bị chặt hết để không bị vướng. Cây chè thiếu bóng che, lại thiếu nước tưới và bị khai thác triệt để, sức chống chịu kém, bị nắng nóng thiêu đốt thì chịu sao nổi. Năm 2015, 3 ha chè gần 10 năm tuổi của gia đình tôi, nhiều vườn chết trơ cành, có thể một phần nguyên nhân do hái bằng máy”.

Giải bài toán tái cơ cấu

Ông Nguyễn Văn Lập thẳng thắn thừa nhận, Nghệ An có thế mạnh về cây chè nhưng chưa biến cây chè thành cây giúp thay đổi cuộc sống của người nông dân. Cơ sở chế biến tương đối hiện đại nhưng sản phẩm chè Nghệ An đang đóng bao chứ chưa phải đóng gói. Vì thế, giá sản phẩm thấp, kéo theo giá thu mua nguyên liệu đầu vào thấp, nông dân chưa lãi cao. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các xưởng chế biến chè tư nhân với công suất hoạt động lớn mọc lên nhiều. Toàn tỉnh hiện có 86 cơ sở chế biến với tổng công suất thiết kế 527 tấn/ngày, nhu cầu nguyên liệu là 1.200 tấn/năm. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh từ xã Thanh Xuân đến Thanh Đức, Hạnh Lâm (Thanh Chương) chưa đến 30km nhưng đã có tới vài chục xưởng chế biến chè tư nhân. Theo quy luật, điều đó sẽ thúc đẩy tăng giá nguyên liệu đầu vào giúp người trồng chè lãi cao. Nhưng thực tế lại đang diễn biến theo chiều ngược lại. “Một số xưởng chế biến làm ăn chộp giật, chỉ thu mua số lượng lớn vào một vài thời điểm nhất định, giá không nhích hơn mấy so với các xí nghiệp chè nhưng vì trốn tránh được thuế, họ lại sẵn tiền trả thẳng ngay cho nông hộ nên hút hết nguồn nguyên liệu. Về lâu về dài, đối với những xưởng chế biến này, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện không đảm bảo ATVSTP, trốn thuế thì nhất quyết đình chỉ hoạt động”, ông Lập nói. Đó cũng là thực tế khiến các xí nghiệp chè thuộc Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An gặp khó. Một số xí nghiệp sống dở, chết dở, đời sống cán bộ công nhân viên rất khó khăn.

“Để đảm bảo cây chè phát triển bền vững, hiện nay Nghệ An đã cho triển khai đề tài hướng dẫn người trồng chè kỹ thuật hái và chăm bón chè của Viện KHKT Bắc Trung bộ; những công trình thủy lợi nhỏ cũng sẽ được xây dựng để hỗ trợ nông dân đảm bảo nước tưới, giữ ẩm cho các vùng chè”, ông Nguyễn Văn Lập chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nghệ An, chè Nghệ An chủ yếu phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Năm 2014, Nghệ An xuất khẩu được 5.000 tấn chè, đạt kim ngạch 7 triệu USD. Các thị trường chủ yếu là Pakistan, Trung Quốc, Afghanistan, Israel, Ba Lan, Nga, Iran và Anh. Có 4 DN tham gia xuất khẩu trong đó có Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An. Ngành chè Nghệ An đang hướng tới mục tiêu hợp tác với Nhật Bản để xuất khẩu chè trong thời gian tới. Nhưng để hướng tới những thị trường khó tính, yêu cầu đặt ra đối với ngành chè Nghệ An rất nặng nề và cũng không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Ông Lập cho biết thêm, diện tích chè ở Nghệ An theo quy hoạch sẽ ổn định ở mức 12.000ha. Hiện Nghệ An đang trình chính phủ đề án cổ phần hóa Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An. Do sự biến động về nhu cầu của thị trường, trước mắt, Nghệ An vẫn phải chế biến cùng lúc 2 sản phẩm chè xanh và chè đen. Nhưng lâu nay, để chế biến hai sản phẩm này, các xưởng chế biến chè tại Nghệ An vẫn dùng chung vùng nguyên liệu. “Sắp tới Nghệ An sẽ đưa một số giống chè mới vào trồng và hướng tới những thị trường khó tính như Nhật Bản. Về lâu dài, cần phải quy hoạch, tách các vùng riêng cho chế biến chè xanh và chè đen; lấy chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm làm khâu đột phá, tương lai sẽ chế biến thành chè nhúng, chè hộp thì giá bán mới cao. Như thế, chất lượng chè sẽ được cải thiện, giá tăng, người trồng chè có lãi hơn”, ông Lập cho hay.

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP