Cách phối hợp tổ chức xúc tiến đầu tư quy mô nhỏ nhưng tập trung đi sâu vào các dự án cụ thể, với sự tham dự của các đối tác quan trọng đang được xem là một hướng đi mới mang lại hiệu quả cao trong xúc tiến đầu tư cho các địa phương ở VN.
Ông Tô Huy Rứa (thứ hai bên trái), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Fukada Hiroshi - Đại sứ Nhật tại VN (thứ ba bên trái sang), TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI (ngoài cùng bên trái) tại tọa đàm “Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch giữa Nhật Bản và VN tại tỉnh Thanh Hóa”
Buổi tọa đàm “Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch giữa Nhật Bản và VN tại tỉnh Thanh Hóa” do VCCI phối hợp với Thanh Hóa và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức mới đây chính là một ví dụ điển hình và được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá rất cao.
“Bé hạt tiêu”
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhớ lại, trong lần gặp gỡ ông Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị VN - Nhật Bản gần đây, ông đã đề nghị với đoàn Nhật Bản tổ chức tọa đàm kết nối đầu tư của Nhật Bản vào các địa phương trong đó có Thanh Hóa. Ban đầu, hai bên định tổ chức hội nghị lớn… nhưng cuối cùng, hai bên đã thống nhất, không cần tổ chức quy mô lớn mà chỉ cần nhỏ, có chiều sâu với những nhóm DN tiềm năng, đi thẳng vào giải quyết các vấn đề khúc mắc theo kiểu “bé hạt tiêu”. “Và hôm nay, chúng tôi đã thực hiện phương án này! ” TS Vũ Tiến Lộc nói.
Quả thực, những người tham dự buổi tọa đàm hôm ấy đều nhận thấy một sự khác biệt rất rõ ràng ở ngay số lượng khách tham dự, tuy không nhiều nhưng đặc biệt chất lượng. Phía Nhật Bản, đại diện các tổ chức và DN Nhật về Thanh Hóa chỉ có hơn chục người nhưng đây lại là những nhân vật quan trọng và có tiếng nói quyết định cho sự đầu tư, đó là ông Fukada Hiroshi - Đại sứ Nhật tại VN, ông Kawada Atsusuke – Trưởng đại diện JETRO, ông Mori Mutsuya – Trưởng đại diện JICA… Có thể nói rất hiếm khi lãnh đạo của cả 3 đại diện trụ cột quan trọng nhất của Chính phủ Nhật Bản tại VN có mặt trong một sự kiện, nhất là sự kiện ở địa phương.
Riêng với ông đại sứ Fukada Hiroshi, đây là chuyến đi đầu tiên của ông cùng 8 DN Nhật Bản tới địa phương xúc tiến đầu tư. Cần nhắc lại, 8 DN Nhật tới Thanh Hóa lần này đều là những tập đoàn lớn như: Idemitsu, Itochu, Merubeni… Theo báo cáo, tổng tài sản của 8 “đại gia” này trong năm 2013 lên tới gần 500 tỷ USD, trong đó riêng doanh số đạt trên 300 tỷ USD. Nếu làm phép so sánh, tài sản của nhóm DN này gấp 3 lần GDP của VN. Đặc biệt, đại diện 8 tập đoàn của Nhật Bản đến Thanh Hóa lần này cũng được ví như là “Bộ chỉ huy địa phương” của các tập đoàn này tại VN. Thông thường, khi các tập đoàn của Nhật Bản đầu tư vào đâu thì việc báo cáo khảo sát ban đầu của “Bộ chỉ huy địa phương” có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, đây có thể coi là bước đi đầu tiên để các tập đoàn này đầu tư vào Thanh Hóa. Ngoài ra, Hà Nội, TP HCM… không gian phát triển đang ngày một chật chội. Do vậy việc đầu tư vào các tỉnh có vị trí, điều kiện như Thanh Hóa được các DN Nhật Bản xem như sự lựa chọn thích hợp.
Dù vậy, theo ông Asakura - TGĐ Cty xi măng Nghi Sơn, hiện Cty Nghi Sơn cũng đang kêu gọi các DN Nhật khác đầu tư vào Thanh Hóa, nhưng điểm lo ngại nhất vẫn là khâu hạ tầng. “Quốc lộ 1 đã hoàn thiện, nhưng đường dẫn từ quốc lộ vào các KCN, nhà máy… chưa hoàn thiện, đây có lẽ là điểm bất lợi của tỉnh trong thu hút FDI”. Ông Asakura khẳng định.
VCCI sát cánh
Cách làm mới trong xúc tiến đầu tư của Thanh Hóa có thể sẽ mở ra một cách tiếp cận mới, hướng đi mới. |
Ông Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hóa khẳng định, với các nhà đầu tư Nhật Bản, Thanh Hóa đang kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hiện có trên 300 ngàn ha rừng sản xuất, hiện chỉ trồng keo, nhưng hiện hiệu quả kinh tế không cao. Vùng biển, đang kỳ vọng vào thủy sản, tôm thẻ chân trắng… “Lãnh đạo tỉnh luôn cam kết với các nhà đầu tư, có bất cứ vướng mắc gì thì điện thoại trực tiếp, chúng tôi sẽ chỉ đạo giải quyết ngay” - ông Chiến quả quyết.
Về phía VCCI, để hỗ trợ Thanh Hóa thu hút đầu tư từ Nhật Bản tốt hơn, Chủ tịch VCCI cũng đề nghị 3 tháng một lần, VCCI cùng với Đại sứ quán và lãnh đạo tỉnh cùng trao đổi về tình hình, cách thức vận động đầu tư Nhật Bản vào Thanh Hóa. “VCCI hiện đã có phòng Nhật Bản, thời gian tới sẽ có cán bộ chuyên trách theo dõi và hỗ trợ xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa” TS Lộc cho biết.
Rõ ràng, cách làm mới trong xúc tiến đầu tư của Thanh Hóa có thể sẽ mở ra một cách tiếp cận mới, hướng đi mới trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư cho nhiều tỉnh, thành khác tham khảo.
Ông Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Fukada Hiroshi - Đại sứ Nhật Bản tại VN, Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và VCCI chụp hình lưu niệm cùng các doanh nghiệp Nhật Bản và Thanh Hóa.