Nhiều hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trong đất sẽ có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Biện pháp căn cơ để hạn chế những tác động này là phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt phải gắn biện pháp này với từng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Toàn cảnh diễn đàn
Đây là nội dung chính của Diễn đàn “Phát triển nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường và Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam” tổ chức chiều ngày 28/11 tại Hà Nội.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là một trong những vật tư không thể thiếu và hàng năm được sử dụng khá lớn. Phân bón đóng góp khoảng 30%-35% sản lượng nông sản toàn cầu.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiệu quả sử dụng phân bón còn thấp. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng quan trọng nhất là việc bón phân cho cây trồng hiện nay chưa có gói kỹ thuật đồng bộ. Cùng với đó, công tác quản lý phân bón còn bất cập, sản phẩm phân bón được cấp phép quá nhiều (lên tới 5.000 loại phân bón được cấp phép).
Để giảm những tác động tiêu cực của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tới sức khỏe con người, Chính phủ đã đưa ra nhiều kế hoạch và chính sách đồng bộ để làm cái thiện môi trường.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Bộ TN&MT cho biết, thông qua những chính sách này việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu đã đạt được những kết quả khích lệ. Nguồn lực cho công tác khắc phục ô nhiễm các khu tồn lưu hóa chất BVTV đã tăng lên rõ rệt.
Đặc biệt, nhiều công nghệ mới đã được chuyển giao như công nghệ Fenton, công nghệ sắt TAMIL, công nghệ nghiền bi, công nghệ giải hấp nhiệt... Việc phát triển thị trường công nghệ sẽ góp phần giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường.
Tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học Kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam đã đưa ra nhiều khuyến nghị để giảm thiểu tác động tiêu cực của thuốc BVTV lên sức khỏe con người cần loại bỏ dân những thuốc BVTV độc hại, lạc hậu, tăng cường các loại thuốc tiên tiến; kiểm tra, rà soát lại những hoạt chất BVTV có độc hại cao, kém hiệu quả hoặc chậm phân hủy để loại bỏ dần khỏi danh mục thuốc BVTV, đặc biệt chú ý các hoạt chất đã bị cấm sử dụng ở một số nước như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Đặc biệt là cần có biện pháp quyết liệt ngăn chặn việc sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV bất hợp pháp. TS Nguyễn Kim Vân cũng nhấn mạnh việc cần khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, đẩy mạnh việc khuyến nông, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP...