Hội viên có mạnh thì tổ chức Hội mới mạnh. Với quan điểm đó, các cấp Hội Nông dân (ND) Triệu Sơn đã đồng hành cùng ND trên con đường xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Theo sát nông dân
Ông Hoàng Văn Bốn – Chủ tịch Hội ND huyện Triệu Sơn cho biết: “Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 850 trang trại, gia trại (trong đó có 127 trang trại đạt tiêu chí theo quy định). Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả được mở rộng tăng từ 4.500ha (năm 2012) lên 6.000ha (năm 2014); vùng rau an toàn mở rộng lên 6ha; vùng trồng hoa 15ha; vụ đông đã được bà con nông dân xem như vụ sản xuất chính… Để có được điều này, Hội ND huyện Triệu Sơn phối hợp với Công ty Phân bón Hàm Rồng, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông... giới thiệu, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng phân bón chậm trả cho bà con ND; phối hợp với các ban ngành, cơ quan trong và ngoài tỉnh mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến cán bộ, hội viên ND; cung ứng các loại cây, con giống có năng suất cao cho ND nhằm sử dụng vốn vay có hiệu quả”.
Mô hình nuôi cá chạch của gia đình anh Lê Văn Phượng (xã An Nông, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) phát huy hiệu quả nhờ đồng vốn vay của Hội.
Tính đến ngày 31.12.2014, Ngân hàng NNPTNT cho 13.526 hộ ND ở huyện Triệu Sơn vay, với tổng dư nợ 415,278 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH trên 70 tỷ đồng… Chỉ trong năm 2014, các cấp hội trong huyện đã kết nạp được 1.314 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 30.268 người.
Hướng tới mục tiêu “nhiều hộ khá, giàu”
Ông Hoàng Văn Bốn khẳng định, bây giờ cán bộ hội ở Triệu Sơn không lo còn hội viên nghèo đói nữa, mà chỉ nghĩ đến việc làm sao ngày càng có nhiều hộ giàu, nhiều điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi. Hầu hết, những mô hình phát triển hiệu quả, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi đều phát triển từ vốn vay của Ngân hàng NNPTNT, hoặc từ Ngân hàng CSXH.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Nhạ, xóm 3, xã Thọ Bình cho hay, ban đầu ông khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, song được sự giúp đỡ của các ngành, Hội ND cấp xã, cấp huyện, gia đình ông đã vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT – Chi nhánh Triệu Sơn để đầu tư kinh doanh xăng dầu. Sau một thời gian, ông lại đầu tư làm kinh tế trang trại, rồi làm mạ khay... Gia đình ông hiện có 2 cây xăng, 2ha đất chuyên sản xuất mạ khay, cung cấp mạ cho xã và các vùng lân cận, tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức lương từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 500 – 600 triệu đồng.
Cũng gặp khó khăn về đất canh tác, thiếu lao động, thiếu vốn, ông Lê Đình Sơn ở xã Thái Hòa (Triệu Sơn) bàn bạc với anh em, bà con để dồn điền, đổi thửa và mua lại một số diện tích của các hộ không có nhu cầu sử dụng. Đến nay, gia đình ông đã có 3ha để làm trang trại nuôi bò, dê, lợn, cá, vịt. Hàng năm, ông có lãi từ 70 – 100 triệu đồng.
Những ND sản xuất kinh doanh giỏi như ông Nhạ, ông Sơn… ở huyện Triệu Sơn ngày càng nhiều lên. Và Hội ND chính là đơn vị đảm nhiệm vai trò "nhạc trưởng” của dàn hợp xướng sản xuất kinh doanh giỏi ấy.
Chỉ trong 3 năm trở lại đây, huyện Triệu Sơn đã có 35.780 hộ đăng ký SXKD giỏi với 21.900 hộ đạt danh hiệu ở 3 cấp. Trong đó có 2.570 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh.